Thống đốc NHNN nói về những vướng mắc khi cho vay đóng tàu

08:06' - 22/03/2016
BNEWS Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản vẫn còn những rào cản cần khắc phục.
Thống đốc NHNN nói về những vướng mắc của Nghị định 67. Ảnh: TTXVN

Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản đã đi vào cuộc sống được 1 năm.

Theo đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, mặc dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn, nhưng Nghị định 67 đã thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ. Sự hiện diện của ngư dân ở những vùng biển xa, ngoài việc nâng cao hiệu quả đánh bắt, cải thiện cuộc sống cho ngư dân còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Mặc dù vậy, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, khai thác thủy sản mới là một phần, vấn đề quan trọng là thị trường tiêu thụ. Phải tổ chức mạng lưới tiêu thụ, làm sao đảm bảo chuỗi sản xuất liên kết chặt chẽ, giúp hiệu quả sản xuất, lao động của ngư dân được nâng lên, từ đó góp phần tái cấu trúc lại hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản.

“Hiện nay, chúng ta mới tập trung cho vay đóng mới tàu; trong đó có tàu khai thác, tàu dịch vụ nghề cá. Nghị định 67 là một chương trình xuyên suốt, không phải là chính sách nhất thời.

Đây là chủ trương lớn, rất đúng, nhân văn với đời sống ngư dân, bởi vậy chúng ta không tiến hành như là phong trào. Cần chọn được đúng người, đúng bà con ngư dân làm ăn có kinh nghiệm. Sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất”, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Thực tế, các ngân hàng thương mại vẫn gặp phải một số vướng mắc mới phát sinh khi giải ngân cho vay cần được hướng dẫn kịp thời như: hướng dẫn chi tiết về thuế giá trị gia tăng trong đóng mới, nâng cấp tàu; hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật đối với máy thủy cũ trong nâng cấp tàu, hướng dẫn trường hợp giá quyết toán thực tế vượt giá dự toán trong đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới.

Minh chứng cho điều này, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho chủ tàu theo Nghị định 67 không được thực hiện, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế còn không thống nhất, khó hiểu.

Điều này khiến Cục Thuế các địa phương không triển khai thực hiện được, gây khó khăn, thiệt thòi cho chủ tàu, trái với tinh thần nội dung của Nghị định 67 về việc ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng cho chủ tàu.

Hiện nay, Quảng Ngãi còn 14 tàu đã hoàn thành nhưng chưa có chủ tàu nào được hoàn thuế giá trị gia tăng, nếu không được hoàn thuế thì chủ tàu sẽ thiệt thòi rất lớn vì sẽ không thực hiện được phương án sản xuất kinh doanh để vay vốn đã ký với các ngân hàng thương mại, dẫn đến nguy cơ không trả nợ kịp thời theo phương án.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, song song với việc hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu công suất lớn, đề nghị Chính phủ tăng cường bố trí ngân sách đầu tư cho hạ tầng nghề cá như thông luồng các cửa biển bị bồi lấp, đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng khai thác bền vững trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn vị trí “xa bờ” của tàu dịch vụ hậu cần ở tọa độ, vùng biển cụ thể để hỗ trợ cho các tàu dịch vụ hậu cần.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để giải quyết các khó khăn này, cần những giải pháp căn cơ và lâu dài với sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các địa phương và các bộ, ngành.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành các định mức kỹ thuật cũng như giá khái toán của các loại tàu, làm cơ sở để các ngân hàng thương mại thẩm định giá, hạn chế sự chênh lệch giữa giá thẩm định và chi phí đóng tàu của các cơ sở đóng tàu đưa ra.

Do đặc thù ngành khai thác đánh bắt thủy hải sản xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, và việc thẩm định tàu cá khá phức tạp, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong các vấn đề liên quan đến đăng kiểm, thẩm định kĩ thuật của tàu cá, kiểm soát lộ trình các chuyến đi biển để nâng cao hiệu quả cho vay.

Đại diện VietinBank cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng và ban hành các định mức đóng tàu và giá khái toán của từng loại tàu (tàu gỗ, tàu vỏ thép, vỏ composite), làm cơ sở và hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc định giá và đưa ra mức cho vay phù hợp; nghiên cứu và xây dựng cơ chế phối hợp và có các văn bản chính sách giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và ngư dân để bảo đảm đầu ra ổn định cho ngư dân.

Bên cạnh đó cần xem xét cho phép các đối tượng khách hàng đủ điều kiện tham gia vay vốn theo Nghị định 67 nhưng đã tự cung ứng tiền của cá nhân để chi trả một phần chi phí đóng tàu nhằm bảo đảm con tàu được hạ thủy đúng thời gian được hưởng mức lãi suất ưu đãi và được sự hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước.

Tính đến nay, các ngân hàng thương mại đã nhận 605 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu tại 27 tỉnh, thành phố; trong đó, đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 3.900 tỷ đồng và đã giải ngân gần 2.000 tỷ đồng.

Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60 - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu; tài sản bảo đảm là chính con tàu. Đã có 84 tàu cá đóng mới, 12 tàu nâng cấp được hạ thủy và đi vào khai thác. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn giải ngân cho 204 lượt khách hàng vay vốn lưu động với tổng số tiền gần 64 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục