Thịt và sữa của EU chịu nhiều thiệt hại nếu xảy ra Brexit “cứng”

07:40' - 14/01/2018
BNEWS Xuất khẩu thực phẩm đã qua chế biến của Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc nước Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit.

Theo Trung tâm nghiên cứu về triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế (CEPII) của Pháp, 15 tháng trước ngày nước Anh chính thức rời khỏi EU, các nhà kinh tế học đã đưa ra những mô hình ngày càng cụ thể hơn về tác động của Brexit tới nền kinh tế châu Âu, trong đó các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến của 27 nước EU sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Trên thực tế, Anh là thị trường tiêu thụ 9% khối lượng xuất khẩu thực phẩm đã qua chế biến của châu Âu.

Với kịch bản về một Brexit “cứng” có tính đến những đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May, CEPII đánh giá rằng giao thương thực phẩm đã qua chế biến của EU sang thị trường Anh có thể giảm tới 60% nếu các hàng rào thuế quan được thiết lập theo các tiêu chuẩn của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Nhà kinh tế học Jean Fouré của CEPII đánh giá việc giao thương các loại thịt trắng và các sản phẩm từ sữa sẽ bị triệt tiêu gần như hoàn toàn. Các hàng rào thuế quan được dự đoán sẽ lên rất cao, ví dụ thuế đánh vào các sản phẩm sữa có thể lên đến 41%.

Ông Dominique Chargé, phụ trách lĩnh vực thực phẩm chế biến trong doanh nghiệp Pháp “Coop de France”, cho biết các doanh nghiệp Pháp đã mất đi lợi thế cạnh tranh ngay từ khi thông báo về Brexit được đưa ra do sự mất giá của đồng bảng Anh.

Nhiều doanh nghiệp Pháp đã phải tăng giá để bù đắp lại khoản chênh lệch tỷ giá, tuy nhiên biện pháp này ít phát huy hiệu quả vì sức mua của thị trường Anh đối với các mặt hàng này ngày càng giảm.

Trên thị trường thực phẩm đã qua chế biến của Anh, Hà Lan là nhà cung cấp lớn nhất với 7,9 tỉ euro, tiếp theo là Pháp và CH Ireland với 5,9 tỉ euro mỗi nước. Theo tính toán của CEPII, hoạt động thương mại của Hà Lan có thể sẽ giảm tới 66%, CH Ireland là 71% và Pháp là 50%. Hai nước bị ảnh hưởng ít nhất trong EU là Bồ Đào Nha và Thụy Điển.

Các chuyên gia kinh tế từ chối bình luận về một phương án tồi tệ nhất khi đây là một lĩnh vực đứng trước nhiều nguy cơ, đồng thời cho rằng kịch bản về thiết lập hàng rào thuế quan theo WTO sẽ là một sự tự sát với nhiều ngành kinh tế của các nước châu Âu, trong khi đó nước Anh cũng không được hưởng lợi gì nếu khả năng này xảy ra./.

>>>Bất động sản châu Âu vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục