Thị trường vốn của Trung Quốc: Bốn cải cách nổi bật trong năm 2019

17:59' - 25/12/2019
BNEWS Thị trường vốn của Trung Quốc đã có những cải cách trong năm 2019, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm bớt các nguy cơ tài chính.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: AFP

Bất chấp những khó khăn về cấu trúc và những vấn đề mang tính chu kỳ mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt, trong năm 2019, các nhà hoạch định chính sách nước này vẫn thúc đẩy các cải cách thị trường vốn.

Động thái này được các nhà phân tích đánh giá là đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng tích cực trong dài hạn.

Từ đa dạng hóa các kênh tài chính cho những khu vực cần ưu tiên cho đến mở cửa hơn nữa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, các cải cách của Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm bớt các nguy cơ tài chính.

Tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương kết thúc vào đầu tháng này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết đẩy nhanh cải cách hệ thống tài chính, tiếp tục cải thiện cơ chế ngầm của thị trường vốn. Sau đây là một số cải cách nổi bật của thị trường vốn Trung Quốc trong năm 2019.
Thị trường STAR

Tháng 7 vừa qua, sàn Chứng khoán Thượng Hải đã khai trương hệ thống mua bán chứng khoán với tên gọi Thị trường STAR, trong đó tập trung vào các công ty công nghệ cao và các lĩnh vực chiến lược mới nổi.

Đây được xem là một bước đi quan trọng nhằm chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc theo hướng sáng tạo, đồng thời khám phá các cách thức cải thiện cơ cấu trong thị trường vốn.

Không giống như những hệ thống chứng khoán nội địa khác, Thị trường STAR sẽ giảm bớt các thủ tục rườm rà cho việc đăng ký niêm yết, cho phép việc định giá dựa trên thị trường, ưu tiên việc công khai thông tin, siết chặt quy định về loại cổ phiếu khỏi thị trường chứng khoán thông qua thí điểm hệ thống phát hành công khai lần đầu (IPO) dựa trên đăng ký - một cách thức phổ biến tại nhiều nước phát triển.

Các quy định giao dịch tại Thị trường STAR cũng khác biệt, khi không giới hạn sự thay đổi giá cả trong 5 ngày giao dịch đầu tiên.

Trong những ngày tiếp theo, ban quản lý hệ thống sẽ cho phép cổ phiếu tăng hoặc giảm tối đa trong khoảng 20%, cao hơn mức giới hạn 10% đối với đa số cổ phiếu tại các sàn giao dịch khác.
Giảm lãi suất cơ bản

Để phản ánh tốt hơn sự thay đổi của thị trường, tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã cải thiện cơ chế liên quan đến Lãi suất Cho vay cơ bản (LPR) nhằm giảm bớt chi phí vay nợ để hỗ trợ nền kinh tế.

Với cơ chế mới, lãi suất công bố hằng tháng sẽ dựa trên lãi suất của PBoC khi thị trường mở cửa, đặc biệt là lãi suất cho vay trung hạn.

Các ngân hàng được yêu cầu phải thiết lập lãi suất cho những khoản vay mới dựa trên LPR. Việc cải cách và cải thiện cơ chế LPR sẽ tăng cường khả năng định giá độc lập, cũng như tính cạnh tranh toàn diện của các thể chế tài chính, giúp nền kinh tế và lĩnh vực tài chính có thể hỗ trợ cho nhau tốt hơn.
Mở cửa thị trường 

Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng, Trung Quốc đã xóa bỏ hạn mức đầu tư của "Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện" (QFII) và "Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện Nhân dân tệ (NDT)" (RQFII).

RQFII là chương trình cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các khoản tiền bằng đồng NDT ở ngoại quốc vào thị trường Trung Quốc. 

Đối với thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích đầu tư vào Thị trường STAR.

Chương trình kết nối Chứng khoán Thượng Hải - London cũng đã mở cửa giao dịch vào tháng 6, đóng vai trò là một kênh vốn nước ngoài khác.

Dự kiến việc giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các công ty tương lai, các doanh nghiệp quản lý quỹ và các nhà môi giới cũng sẽ được dỡ bỏ vào năm tới.

Việc tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp nước ngoài cũng được nới lỏng với việc thu hẹp danh sách các lĩnh vực và doanh nghiệp bị hạn chế.

Theo danh sách mới, việc hạn chế sở hữu đối với đầu tư nước ngoài của các tổ chức môi giới, cũng như việc thăm dò và phát triển dầu mỏ và khí đốt cũng đã được dỡ bỏ.
Lộ trình rõ ràng
Tháng 9 vừa qua, Ủy ban Giám sát tài chính Trung Quốc đã nêu ra 12 ưu tiên trong việc thúc đẩy cải cách thị trường vốn, vạch ra lộ trình rõ ràng hơn cho lĩnh vực này.

Các nhiệm vụ then chốt bao gồm tạo điều kiện cho Thị trường STAR thể hiện được rõ được vai trò là sân chơi thử nghiệm, khuyến khích các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán nâng cao chất lượng, thúc đẩy cải cách sàn chứng khoán ChiNext (có phong cách giống sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ), đẩy nhanh việc cải thiện Sàn chứng khoán quốc gia và các chỉ số.

Nhằm mở cửa hơn nữa thị trường vốn, Trung Quốc sẽ thực thi các biện pháp mở cửa đã được công bố và đảm bảo an ninh tài chính trong một môi trường cởi mở.

Giáo sư Trường Kinh tế của Đại học Xiamen Han Qian nhận định thông qua việc thực thi các biện pháp cải cách này, thị trường vốn Trung Quốc sẽ chứng kiến sự cải thiện cơ bản trong vai trò thúc đẩy chuyển đổi kinh tế và phát triển chất lượng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục