Thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt 800.000 xe trong giai đoạn dân số vàng

18:13' - 07/06/2018
BNEWS Dự báo thị trường ô tô đến năm 2025 có thể đạt 750.000-800.000 xe và đến năm 2035 sẽ đạt từ 1,7 triệu đến 1,85 triệu xe.
Quang cảnh hội thảo tại AutoExpo 2018: Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Đây là dự báo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (IPSI) đưa ra tại hội thảo chuyên ngành ngày 7/6 trong khuôn khổ triển lãm quốc tế lần thứ 15 về phương tiện giao thông, vận tải và công nghiệp hỗ trợ (Vietnam AutoExpo 2018) đang diễn ra ở Hà Nội.
Theo ông Lê Huy Khôi, phụ trách Phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường của IPSI, căn cứ theo những yếu tố tác động chính đến tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô có thể thấy, thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035.
Về sản xuất xe trong nước sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 18,5%/năm trong giai đoạn 2018-2025; và đạt khoảng 13,8%/năm trong giai đoạn 2025-2035. Sản lượng xe sản xuất dự báo đạt 531.585 xe vào năm 2025 và đạt 1,767 triệu xe vào năm 2035.
Về tiêu thụ xe trong nước, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu - những khách hàng tiềm năng của dòng xe cá nhân được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Dự báo, tăng trưởng tiêu thụ xe của Việt Nam sẽ đạt mức 22,6%/năm trong giai đoạn 2018-2025 và đạt khoảng 18,5%/năm trong giai đoạn 2025-2035.
Dự báo đến năm 2020, nhu cầu thị trường ô tô trong nước đạt khoảng 500.000-600.000 xe và xu thế ô tô hóa sẽ diễn ra khi GDP bình quân đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD và tiến tới sở hữu bình quân đạt trên 50 xe/1.000 dân. Xu hướng phổ cập ô tô cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2030.
Do dó, dự báo thị trường ô tô đến năm 2025 có thể đạt 750.000-800.000 xe và đến năm 2035 sẽ đạt từ 1,7 triệu đến 1,85 triệu xe.
Ông Lê Huy Khôi khẳng định, cơ sở dự báo trên được căn cứ theo 3 yếu tố quy mô và dân số; thu nhập bình quân đầu người; và số lượng xe bình quân trên 1.000 dân.
Theo đó, tính đến hết năm 2017, dân số Việt Nam đã đạt hơn 96 triệu người. Dự báo con số này đến năm 2020 đạt khoảng 98,2 triệu người, đến năm 2025 đạt khoảng 101,1 triệu người và năm 2035 là 107,8 triệu người.
Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD/người/tháng. Dự báo từ nay đến năm 2035 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt trên 6,8%/năm và đạt bình quân 7.780 USD vào năm 2035.
Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập của người dân Việt Nam cũng tăng cao từ năm 2012 đến nay. Dự báo đến năm 2035, hơn nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập hàng ngũ tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức chi tiêu từ 15 USD trở lên trong ngày.
Đặc biệt, theo số liệu của Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI một tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính có trụ sở tại London), Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe ô tô thấp nhất trong khu vực, chỉ 4-5% số gia đình có ô tô.
Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng nhất thế giới với tỷ lệ rất thấp, chỉ 23 xe/1.000 dân trong khi tại Thái Lan là 204 xe và tối thiểu là 400 xe/1.000 dân ở các nước phát triển, riêng Mỹ là 790 xe/1.000 dân.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng xe ô tô của Việt Nam cũng tăng trưởng khá mạnh, năm 2015 tăng trưởng 55% và năm 2016 tăng trưởng cao thứ 2 trên thế giới với 27,1%...
Ngoài ra, chỉ số mua hàng ASEAN Auto Purchase Index của Financial Times phân tích cũng cho thấy, trong 5 năm qua, lượng người Việt Nam muốn mua xe đang tăng lên và dần dần bắt kịp với các quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Tỷ lệ trung bình tại Việt Nam đã tăng từ 11% năm 2013 1ên 15% trong năm 2016 và 2017, mặc dù thấp hơn so với mức 25% bình quân khu vực thành thị của các nước ASEAN. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Việt Nam đã tăng nhiều nhất trong khối ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philipinnes, Thái Lan và Việt Nam).

Khách tham quan gian hàng Ducati tại Vietnam AutoExpo 2018. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Đánh giá về tiềm năng thị trường ô tô, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam cho rằng, trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng và thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%, nhưng một số doanh nghiệp trong nước vẫn có kế hoạch và quyết tâm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường ô tô là rất lớn.
Điển hình là tháng 3/2018, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô ThacoMazda với công suất 100.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Đồng thời, khánh thành nhà máy sản xuất, lắp ráp xe bus với công suất 20.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2017, THACO cũng đã trở thành nhà nhập khẩu, phân phối chính thức các sản phẩm từ thương hiệu ô tô BMW; trở thành nhà phân phối và lắp ráp các dòng xe thương mại mang nhãn hiệu Fuso (Nhật Bản) tại Việt Nam.
Cùng với Thaco, năm 2017 Tập đoàn Thành Công cũng đã hợp tác cùng Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam với công suất 120.000 xe/năm.
Cùng với đó, Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor Hàn Quốc còn thành lập liên doanh sản xuất và phân phối các dòng xe thương mại của Hyundai. Qua đó, Tập đoàn Thành Công trở thành nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối duy nhất tất cả các dòng xe của thương hiệu Hyundai tại Việt Nam, cả hai sản phẩm xe du lịch và xe thương mại đã được tung ra thị trường.
Thêm dự án đáng chú ý là Tập đoàn VinGroup cũng đã đầu tư nhà máy VINFAST sản xuất xe máy điện và ô tô với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Mục tiêu của VINFAST là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á.

Sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô động cơ điện và xe máy điện. Giai đoạn 1 nhà máy sẽ xuất xưởng mẫu xe sedan 5 chỗ và mẫu xe SUV 7 chỗ và xe máy đạt tiêu chuẩn châu Âu, công suất dự kiến 100.000 -200.000 xe/năm.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%, nhưng việc các doanh nghiệp lớn khởi công nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn không chỉ thể hiện quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô bài bản, dài hạn, mà còn đón đầu xu hướng dự báo thị trường và xu thế hội nhập quốc tế.
Điểm nhấn của các dự án ô tô này là đều đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN trong tương lai gần.
Không chỉ vậy, việc mở rộng quy mô, hiện đại hóa quá trình sản xuất, lắp ráp, nâng cao sản lượng ô tô chế tạo trong nước cũng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo chiến lược, quy hoạch ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đồng thời sẽ đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường và hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc Vietnam AutoExpo 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đưa ra dự báo khiêm tốn, đến năm 2030 Việt Nam có từ 466.000 đến 863.000 xe ô tô mới gia nhập thị trường.
Thứ trưởng Hải phân tích, kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng tốt, đồng thời với các chính sách của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp ô tô, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện... số lượng các loại phương tiện giao thông hứa hẹn tiếp tục tăng cao là những yếu tố thuận lợi để thị trường ô tô phát triển; công nghiệp và thị trường ô tô cho thấy còn rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh./.

>>> Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thị trường ô tô, xe máy và công nghiệp hỗ trợ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục