Thị trường hàng hóa thế giới năm 2020: Mừng, lo xen lẫn

06:30' - 24/12/2019
BNEWS Năm 2019 đang chuẩn bị khép lại với triển vọng tích cực về thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng “leo thang” cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy vậy, điều đáng chú ý là năm 2018 cũng kết thúc với một nhận định tương tự khi “lại đưa triển vọng của thị trường hàng hóa vào tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.

Hồi tháng 11/2018, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã đạt được thỏa thuận thương mại kiểu như trên tại Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina. Điều này cũng được đánh giá cao vào thời điểm đó như là bước tiến lớn để kết thúc cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu diễn ra từ giữa năm 2018.

Tuy vậy, quan hệ thương mại Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng rơi vào bế tắc. Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng các mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhau trong năm 2019 và thậm chí Chính phủ Mỹ cuối cùng dự định sẽ áp thuế quan đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một, dẫn tới quyết định ngừng áp mức thuế quan dự kiến triển khai từ ngày 15/12 của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được giải pháp cuối cùng nhằm kết thúc hoàn toàn cuộc chiến thương mại song phương.

Mặc dù các thị trường đánh giá cao nỗ lực giảm căng thẳng thương mại “khiêm tốn” trên của Mỹ và Trung Quốc, song vẫn thận trọng về nguy cơ đổ vỡ của các cuộc đàm phán giữa hai nước và cuộc chiến thuế quan có thể được tái khởi động.

Ngoài ra, một rủi ro lớn khác là Trung Quốc cam kết tăng gần gấp đôi kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ trong hai năm tới, với các mặt hàng dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng đối với cam kết trên.

Mục tiêu tham vọng của Trung Quốc về việc tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm 100 tỷ USD/năm so với năm 2017 sẽ đòi hỏi một sự gia tăng mạnh hoạt động nhập khẩu các loại nông sản như đậu tương và thịt lợn và cả các mặt hàng năng lượng như dầu thô, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ngay cả khi Trung Quốc nỗ lực thực sự để thực hiện mục tiêu trên thì hiện vẫn có những quan ngại về việc các nhà xuất khẩu của Mỹ có thể cung cấp khối lượng hàng hóa như vậy, nhất là mặt hàng đậu tương và có lẽ cả LNG và than.

Nếu Trung Quốc thực sự cố gắng mua khối lượng lớn hàng hóa như vậy của Mỹ, hoạt động này cũng có khả năng làm “phá vỡ” các dòng chảy thương mại trên toàn thế giới.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của Mỹ dường như không thể “ngồi im” và để Washington giành thị phần tại Trung Quốc và ngay cả khi bị rơi tình trạng bất lợi do các chính sách của Bắc Kinh, thì họ cũng sẽ “đẩy” các nhà cung cấp của Mỹ ra khỏi các thị trường khác.

Ví dụ, nếu Australia bị sức ép buộc phải cắt giảm xuất khẩu than và LNG sang thị trường Trung Quốc thì lẽ đương nhiên là các nhà sản xuất Australia sẽ làm mọi thứ trong khả năng để giành thị phần từ Mỹ ở những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Thực tế, một thỏa thuận “đình chiến” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến việc thay đổi dòng chảy hàng hóa, nếu Bắc Kinh thực sự cố gắng tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Trong khi đó, ngoài tranh chấp thương mại, vẫn còn một số yếu tố đáng chú ý ở thị trường hàng hóa.

Về mặt hàng dầu thô, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, trong thời gian qua đã nỗ lực không ngừng để thúc đẩy, hay ít nhất là hỗ trợ giá dầu thô bằng cách cắt giảm sản lượng “vàng đen”.

Quan hệ giữa Mỹ và hai nước sản xuất dầu mỏ là Iran và Venezuela, vẫn chưa được giải quyết với rất ít tiến triển hướng tới một giải pháp.

Trong khi đó, hiện có những quan ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu, đặc biệt là ở Ấn Độ - có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn đã tác động tiêu cực tới mức tăng trưởng nhập khẩu dầu của nước này.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là “điểm sáng” về tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu khi tiêu thụ 900.000 thùng/ngày trong năm 2019. Song nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này có thể sắp “lấp đầy” kho lưu trữ chiến lược của mình và điều này có thể phần nào tác động bất lợi tới mức tăng trưởng nhu cầu dầu của Bắc Kinh trong tương lai.

Ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu dầu thô với tốc độ nhanh, thì nước này cũng có thể sẽ tăng cường xuất khẩu nhiên liệu tinh lọc nhờ các nhà máy lọc dầu chi phí thấp mới trải rộng trên toàn quốc. Điều đó có thể có nghĩa là trong khi tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ, thì xuất khẩu nhiên liệu tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu ở các quốc gia và khu vực khác – thường có lĩnh vực lọc dầu kém cạnh tranh hơn.

Giá LNG có khả năng vẫn chịu sức ép ở thị trường châu Á, trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu giảm tốc của nước nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, cũng như sự xuất hiện của các nguồn cung cấp LNG ở Mỹ.

LNG có giá rẻ hơn có thể hạn chế mức tăng giá than nhiệt ở một số thị trường, song triển vọng của thị trường LNG sẽ phụ thuộc vào sự phát triển ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các thị trường quặng sắt và thép của thế giới, mặc dù sự phục hồi nguồn cung từ Brazil có thể gây sức ép giảm giá đối với mặt hàng này, nhất là nếu ngành thép Trung Quốc có kết quả hoạt động “trầm lắng” trong năm 2020. Kịch bản này có thể xảy ra khi cả lĩnh vực xây dựng nhà ở và đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc hiện có triển vọng không mấy “sáng sủa”.

Thị trường kim loại đồng có khả năng một lần nữa lại phụ thuộc vào triển vọng của nền kinh tế toàn cầu và sự gián đoạn nguồn cung khó tránh khỏi. Những hy vọng tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế thế giới đang mang lại một nhận định phần nào tích cực hơn đối với thị trường kim loại này.

Nhìn chung, giới phân tích nhận định thị trường hàng hóa thế giới vẫn đứng vững trong cả năm 2019 và có thể tiếp tục duy trì được đà này trong năm 2020, tùy thuộc vào mức độ “thăng trầm” của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc và bất kỳ đánh giá nào có căn cứ nhất về tương lai của nền kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục