Thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến một tuần ảm đạm

10:04' - 02/03/2019
BNEWS Bất chấp ba phiên lên giá vào giữa tuần, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn chứng kiến một tuần ảm đạm.
Bất chấp ba phiên lên giá vào giữa tuần, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn chứng kiến một tuần ảm đạm. Ảnh: reuters

Bất chấp ba phiên lên giá vào giữa tuần, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn chứng kiến một tuần ảm đạm, giữa bối cảnh những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ “phủ mây đen” lên nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 3,3%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 2,7%.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (25/2), giá dầu giảm hơn 3%, ghi dấu mức giảm lớn nhất trong một phiên tính từ đầu năm đến nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm bớt nỗ lực đẩy giá “vàng đen” đi lên.

Ông Trump cho rằng giá dầu đang tăng quá cao, ông kêu gọi OPEC "điều tiết" nỗ lực thúc đẩy giá dầu.

Tới phiên giao dịch ngày 26/2, giá dầu tăng nhẹ nhờ thông tin OPEC sẽ tiếp tục kế hoạch cắt giảm sản lượng, bất chấp những chỉ trích của Tổng thống Mỹ. Một nguồn tin thân cận của OPEC cho biết tổ chức này sẽ giữ vững cam kết của họ.

Đồng thời, OPEC sẽ thúc đẩy các nước thành viên và các nhà sản xuất ngoài khối tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch cắt giảm sản lượng đã đề ra để cân bằng thị trường và đưa lượng dầu dự trữ xuống mức trung bình của 5 năm.

Giá dầu tiếp tục tăng trong hai phiên giao dịch ngày 27/2 và 28/2, nhờ dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô thương mại dự trữ của Mỹ đã giảm 8,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/2 so với tuần trước đó. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức giảm 4,2 triệu thùng mà Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố hôm thứ Ba (26/2).

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần (1/3), giá dầu quay đầu giảm khoảng 2%, do những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ theo sau số liệu yếu kém về hoạt động chế tạo tại Mỹ.

Chốt phiên này, giá dầu WTI giao dịch kỳ hạn giảm 1,42 USD (2,5%) xuống 55,80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Năm giảm 1,24 USD (1,9%) xuống 65,07 USD/thùng.

Thống kê cho thấy chỉ số hoạt động chế tạo ISM tại Mỹ trong tháng Hai đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC (New York, Mỹ) cho rằng sự giảm tốc của nền kinh tế là thông tin tiêu cực đối với giá dầu.

Theo các chuyên gia, số liệu kinh tế bi quan làm dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” trên toàn cầu sẽ sụt giảm.

Tính từ đầu năm, giá dầu đã tăng khoảng 20% khi OPEC và các nước ngoài khối, trong đó có Nga, cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm làm giảm tình trạng dôi dư nguồn cung.

Saudi Arabia mới đây ước tính sản lượng khai thác dầu của nước này sẽ giảm mạnh hơn dự đoán xuống 9,8 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3/2019. Các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt đối với xuất khẩu dầu của Iran và Venezuela cũng đã hỗ trợ thị trường “vàng đen”.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do hãng Reuters, các nhà kinh tế tỏ ra bi quan về triển vọng của giá dầu trong năm nay, đồng thời dự báo tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu sẽ giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Các chuyên gia từ Goldman Sachs dự đoán triển vọng ngắn hạn đối với giá dầu là mạnh trong từ hai đến ba tháng tới song đến cuối năm, triển vọng sẽ kém sáng hơn do xuất khẩu của Mỹ tăng và bất ổn kinh tế, chính trị, địa chính trị leo thang./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục