Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất trong quý II/2018

19:32' - 17/08/2018
BNEWS Sau quý đầu năm 2018 tăng nhanh nhất thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam quý II/2018 lại giảm mạnh nhất với mức giảm gần 20%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất trong quý II/2018. Ảnh minh họa:TTXVN

Cùng thời gian này, chứng khoán thế giới cũng lao dốc với lý do được nói tới nhiều nhất là nỗi lo về sự leo thang của chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy và bất ổn cho kinh tế toàn cầu.

Đây là thông tin được bàn thảo nhiều tại Hội thảo "Thị trường chứng khoán nửa cuối 2018: Cơ hội có đủ lớn?", do Tập đoàn Maybank Kim Eng Việt Nam tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/8.

Theo các chuyên gia, đã có rất nhiều dự đoán, phân tích về việc những tác động của chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục căng thẳng và có thể sẽ được chấm dứt. Tuy nhiên, dù thế nào thì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đã và đang tạo ra sự bất ổn định của kinh tế toàn cầu chắc; trong đó sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam. Đồng thời, niềm tin của nhà đầu tư một lần nữa lại bị thử thách không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích Tập đoàn Maybank Kim Eng Việt Nam cho biết, trong giai đoạn có mức rủi ro cao và khó dự đoán diễn biến của thị trường, nhưng điều này không có nghĩa là không có cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán. Cụ thể, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có những tín hiệu phục hồi, mặc dù vẫn chưa bằng các thị trường chứng khoán của một số nước trong khu vực.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư cần nhìn được bức tranh tổng thể của kinh tế toàn cầu, nhận diện được những cơn sóng ngầm và tác động lên thị trường tài chính, chứng khoán. Thông qua đó, các nhà đầu tư có thể chủ động lên kế hoạch phòng thủ nhưng vẫn luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội trên thị trường chứng khoán.

Ông Chua Hak Bin, Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn Maybank Kim Eng cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thế mạnh kinh tế để giải quyết rủi ro trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới, cụ thể là diễn biến của chiến thương mại Mỹ - Trung trong những tháng cuối năm 2018. Điển hình, là những công cụ và giải pháp tốt hơn trong kiểm soát mức trần nợ công, giới hạn thâm hụt ngân sách Nhà nước...

Mặt khác, hiện tại nợ nước ngoài của Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN (ngoại trừ Malaysia). Thị trường trái phiếu Việt Nam chiếm 23% GDP, nhưng chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, đồng thời thị trường trái phiếu nội tệ (LCY) vẫn còn nhỏ so với khu vực ASEAN. Do đó, Việt Nam cần phát triển thị trường trái phiếu để giảm nợ nước ngoài và tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như chống đỡ những “cú sốc” từ diễn biến tình hình kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một trong những giải pháp hiệu quả khác được đa số các nước đều phải chủ động nỗ lực đa dạng hóa thu hút nguồn đầu tư FDI, nên Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng này.

Bên cạnh đó, hiện tại Việt Nam có lợi thế dân số khá trẻ, nguồn lao động lớn nên phải có chiến lược tận dụng hiệu quả. Riêng đối với các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho mình một tâm thế và khả năng linh động để đối phó kịp thời khi xuất hiện những biến động lớn của nền kinh tế trong và ngoài nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục