Thị trường chứng khoán ngày 10/5: Chìm trong "sắc đỏ"

16:19' - 10/05/2018
BNEWS VN- Index mất tới hơn 28 điểm, thị trường rơi nhanh do nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, chứng khoán và hàng loạt mã cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu.

Thị trường chứng khoán ngày 10/5 “rực lửa”. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/5, chỉ số VN- Index giảm 28,10 điểm xuống 1.028,87 điểm. Toàn sàn có 77 mã tăng giá, trong khi có tới 201 mã giảm giá và 56 mã đứng giá.

HNX- Index giảm 2,91 điểm xuống 120,95 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng giá, 56 mã đứng giá và 102 mã giảm giá.

Thị trường giảm mạnh nhưng thanh khoản vẫn không được cải thiện nhiều. Mặc dù thanh khoản phiên hôm nay có tăng so với phiên hôm qua nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 253,87 đơn vị, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 7.455,93 tỷ đồng.

Tại nhóm cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường) có tới 24 mã giảm giá và chỉ có 4 mã tăng giá.

Các mã giảm giá mạnh có thể kể đến như: VNM giảm tới 5.000 đồng/cổ phiếu, GAS giảm 2.500 đồng/cổ phiếu, VIC giảm 2.400 đồng/cổ phiếu, VJC giảm 2.100 đồng/cổ phiếu.

Ở chiều tăng giá chỉ còn có BVH là giữ được mức tăng khá với 1.400 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại chỉ tăng nhẹ như DPM tăng 400 đồng/cổ phiếu, NT2 tăng 350 đồng/cổ phiếu và CTD tăng 100 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giảm rất sâu. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành dầu khí là PLX giảm tới 3.700 đồng/cổ phiếu, BSR giảm 900 đồng/cổ phiếu, POW giảm 800 đồng/cổ phiếu, PVO còn giảm 1.200 đồng xuống mức giá sàn 7.200 đồng/cổ phiếu. Các mã PVD, PVS, TDG đều kết phiên trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn vài mã tăng giá như PVB tăng 100 đồng/cổ phiếu và PVC tăng 200 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù giảm giá mạnh nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí không thu hút được dòng tiền, thanh khoản của nhóm dầu khí rất thấp. Thanh khoản cao nhất nhóm thuộc về PVS cũng chỉ đạt hơn 3,6 triệu đơn vị, POW và PVD giao dịch ở mức hơn 1 triệu đơn vị, trong khi các mã còn lại đều giao dịch dưới 1 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm mạnh. Cả nhóm cổ phiếu này chỉ còn có 2 mã tăng giá nhẹ là BAB tăng 500 đồng/cổ phiếu và NVB tăng 100 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ các mã còn lại đều kết phiên trong sắc đỏ.

Các mã cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất là: VPB giảm tới 3.100 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 3.000 đồng/cổ phiếu, HDB giảm 2.900 đồng/cổ phiếu, BID giảm 2.300 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, MBB giảm 1.650 đồng/cổ phiếu, VIB giảm 1.300 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ngập trong sắc đỏ. Có thể kể ra rất nhiều mã giảm sâu như: ASM giảm tới 750 đồng/cổ phiếu, DXG giảm tới 1.400 đồng/cổ phiếu, HBC giảm 1.100 đồng/cổ phiếu, HDC và HDG giảm 1.000 đồng/cổ phiếu.

Các mã cổ phiếu như: FLC, HAR, HAG, NDN, FIT, ITA, KBC... cũng nhuộm một màu đỏ.

Những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành bất động sản cũng giảm sâu. Ngoài VIC giảm tới 2.400 đồng/cổ phiếu, thì NVL giảm 600 đồng/cổ phiếu.

Với một thị trường giảm đồng loạt như vậy thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không tránh khỏi xu thế này. Hàng loạt mã cổ phiếu chứng khoán giảm sâu như: SSI giảm 1.500 đồng/cổ phiếu, SHS giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, VCI cũng giảm 1.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt VND còn giảm tới 1.750 đồng xuống mức giá sàn 23.650 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị.

ART trở thành “hiện tượng” khi đi ngược xu thế thị trường để tăng tới 1.300 đồng lên mức giá trần 10.400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh tới hơn 5,4 triệu đơn vị. Đặc biệt, kết thúc phiên giao dịch ART còn dư mua giá trần hàng triệu đơn vị.

Phiên hôm nay, nếu chỉ nhìn bề ngoài có thể thấy khối ngoại lại mua ròng mạnh trên cả 2 sàn. Cụ thể, trên HOSE khối ngoại đã mua ròng tới trên 32,78 triệu cổ phiếu, với giá trị mua ròng đạt tới hơn 1.1158 tỷ đồng.

Sở dĩ khối ngoại mua ròng mạnh như vậy là do đóng góp của VIS đã được mua ròng tới hơn 33,2 triệu đơn vị, với giá trị mua ròng đạt 1.147,79 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại mua ròng mạnh hoàn toàn là do VIS được nhà đầu tư nước ngoài mua vào theo giao dịch thỏa thuận. Bản chất của việc mua bán ròng của khối ngoại đã bị méo mó do cổ phiếu này. Nếu không tính cổ phiếu VIS thì rõ ràng là khối ngoại đang bán ròng trên HOSE.

Trên HNX, khối ngoại đã mua ròng 415.620 cổ phiếu, nhưng nếu tính theo giá trị thì khối này đã bán ròng hơn 5,62 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng mạnh nhất VGC với giá trị hơn 13,6 tỷ đồng, ACB cũng bị bán ròng hơn 10 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục