Thanh tra chuyên ngành: Cần làm trọng tâm, trọng điểm đúng quy định của pháp luật

12:42' - 27/10/2019
BNEWS Thanh tra chuyên ngành cần trọng tâm, trọng điểm đúng quy định của pháp luật là nội dung Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Hoàng Ánh Dương nhấn mạnh tại buổi Tập huấn thanh tra chuyên ngành năm 2019

Đánh giá về việc thực hiện thanh tra chuyên ngành năm 2019, đồng chí Nguyễn Đức Lê, đại diện Vụ Thanh tra kiểm tra - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch thanh tra chuyên ngành 202 vụ cho 63 Cục Quản lý thị trường địa phương và 1 Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Đức Lê, đại diện Vụ Thanh tra, Kiểm tra - Tổng Cục Quản lý thị trường

Tính đến hết tháng 9, toàn lực lượng đã thanh tra xong 89 vụ, đang thực hiện 29 vụ, đưa ra khỏi kế hoạch 13 vụ, không thực hiện 10 vụ. Như vậy, trong quý IV còn tổng 59 vụ Thanh tra chuyên ngành phải thực hiện trên toàn lực lượng.

Đáng lưu ý, trong số vụ thanh tra chuyên ngành được phê duyệt trong năm 2019 có một số vụ không thực hiện được do một số 4 nguyên nhân chính, đó là: tổ chức cá nhân ngừng hoạt động (chiếm 40%); trùng với đợt kiểm tra chuyên ngành của các Cục; trùng lắp giữa các đơn vị, cơ quan chức năng trong địa phương; tổ chức cá nhân không còn kinh doanh ngành hàng đó nữa.

Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương trao đổi tại buổi tập huấn

Điểm qua những lưu ý đối với  thanh tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương nhấn mạnh, trước hết phải xác định kế hoạch thanh tra chuyên ngành do Bộ Công Thương phê duyệt, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh là cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.

Liên quan đến xây dựng kế hoạch thanh tra, Phó Tổng Cục trưởng nhấn mạnh, căn cứ từng địa bàn, từng tỉnh, có những nhận định, đánh giá qua các các đợt thanh tra trước, qua công tác nắm tình hình, khảo sát, xây dựng phải xác định những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tiến hành thanh tra.

Minh chứng cụ thể nội dung này, Phó Tổng Cục trưởng nói, đối với mặt hàng xăng dầu, khí hóa lỏng... thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, phải căn cứ vào năng lực trình độ của công chức từ đó đưa ra lựa chọn những lĩnh vực, doanh nghiệp tiến hành thanh tra.

Quang cảnh buổi tập huấn

Một nội dung nữa được Phó Tổng Cục trưởng lưu ý đó là Kế hoạch thanh tra do người có thẩm quyền phê duyệt. Ví dụ, kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Bộ sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

Tuy nhiên có kế hoạch tiến hành thanh tra sẽ do trưởng đoàn thanh tra thực hiện trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt. Trong đó xác định nội dung thanh tra, phạm vi, đối tượng, thời gian, kinh phí thực hiện.

Theo quy định, khi đoàn thanh tra hoạt động phải ghi nhật ký đoàn thanh tra; thu thập hồ sơ tài liệu, chứng cứ, thực hiện quyền, giám sát đoàn thanh tra đối với những đoàn lớn. Cần lưu ý tới thời hạn tiến hành lập báo cáo, thời hạn công bố. Sau khi kết luận phải đôn đốc thực hiện, đánh giá tổng kết đoàn thanh tra.

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị Bộ Công Thương cấp lại thẻ thanh tra chuyên ngành cho công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục