Thanh Hóa tạo điều kiện cho người dân vùng cao tiếp cận hàng Việt

13:50' - 27/09/2019
BNEWS Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, hiện có khoảng 80% người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên lựa chọn hàng hóa trong nước sản xuất khi mua sắm (tăng 14% so với năm 2014).

Để đạt được kết quả đó, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chương trình Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi do Sở Công Thương tổ chức hằng năm được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Mặt khác, thông qua chương trình, người tiêu dùng ngày càng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất.

Từ năm 2014 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức 21 phiên chợ hàng Việt tại các huyện nông thôn, miền núi của tỉnh.

Trung bình mỗi phiên chợ có 20 gian hàng, chủ yếu là doanh nghiệp trong tỉnh tham gia với kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng/phiên chợ từ nguồn ngân sách tỉnh.

Hàng hóa bày bán tại các phiên chợ 100% là hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý. Mỗi phiên chợ đạt doanh thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Thông qua các phiên chợ đã làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng của hàng Việt. Không những thế, người dân khu vực nông thôn, miền núi còn được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất.

Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng hóa được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Tại phiên chợ hàng Việt tổ chức tại huyện Bá Thước, chị Phạm Thị Lương (thị trấn Cành Nàng, Bá Thước) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn miền núi xuất hiện tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không nhãn mác... bày bán tràn lan, gây hại cho sức khỏe con người nên phải cẩn trọng khi lựa chọn mua hàng.

Thông qua phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại địa phương, người dân có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao với giá thành phải chăng; tìm được địa chỉ uy tín để mua sắm lâu dài.

Các phiên chợ góp phần nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân địa phương về phân biệt hàng thật, hàng giả…

Cùng với việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi thông qua kênh phân phối là các Siêu thị miền Tây.

Theo đó, với hệ thống 11 siêu thị và 2 cửa hàng tự chọn được bố trí tại 11 huyện miền núi trong tỉnh, hệ thống siêu thị miền Tây hiện cung ứng khoảng 30.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người tiêu dùng khu vực miền núi.

Tại đây, hàng nghìn mặt hàng có xuất xứ Việt Nam luôn được hệ thống siêu thị lựa chọn từ các nhà sản xuất uy tín và ưu tiên bày bán tại các vị trí thuận lợi cho người dân dễ quan sát và lựa chọn.

Anh Ngân Văn Hiệp, bản Ken, xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa chia sẻ, mặc dù cách thị trấn 15km nhưng mỗi tuần gia đình anh đều lên danh sách các mặt hàng tiêu dùng và sắp xếp 1 buổi để đến Siêu thị miền Tây mua sắm. Ưu tiên lựa chọn của gia đình là các mặt hàng có nguồn gốc Việt Nam, giá cả phù hợp và yên tâm khi sử dụng.

Ông Lữ Minh Thư - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với liên ngành cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động. Qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ người dân ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm, tiêu dùng.

Ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, áp dụng các chế tài đủ sức răn đe để từng bước đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm sản xuất trong nước nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường; chủ động điều tra, khảo sát thị trường, nhu cầu tiêu dùng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khả năng cung cấp của các doanh nghiệp.

Từ đó, giúp doanh nghiệp xây dựng được các chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, vừa đáp ứng thị hiếu, khả năng tiêu dùng của từng đối tượng và hàng Việt được phục vụ trực tiếp đến với mọi người dân…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục