Tham vọng của thời trang “Made in China” trên thị trường thế giới

19:53' - 01/01/2020
BNEWS Các nhà thiết kế thời trang của Trung Quốc đang ngày càng khẳng định sự hiện diện tại Paris- kinh đô thời trang thế giới.

Cụm từ "Made in China" đang ngày càng phổ biến, và lĩnh vực thời trang cũng không phải là ngoại lệ khi các nhà thiết kế thời trang của Trung Quốc đang ngày càng khẳng định sự hiện diện tại Paris, kinh đô thời trang thế giới.

Đây được xem là một phần kế hoạch của họ nhằm “tấn công” thị trường xa xỉ phẩm, vốn đang thu hút rất nhiều người mua sắm Trung Quốc.

Giữa bối cảnh Paris đang chuẩn bị cho các tuần lễ thời trang sẽ diễn ra vào đầu năm 2020, các nhà thiết kế Trung Quốc chắc chắn sẽ mang tới những sắc thái riêng.

Think Guo Pei, nhà thiết kế thời trang Trung Quốc nổi tiếng qua chiếc áo choàng lớn màu vàng gây ấn tượng mà ca sỹ Rihanna mặc trong sự kiện thời trang New York Met năm 2015, cùng các nhà tạo mẫu khác người Trung Quốc như  Uma Wang, Masha Ma, Yang Li, Jarel Zhang, Dawei và Shangguan Zhe… sẽ cho ra mắt bộ sưu tập mới tại các sự kiện thời trang trong tháng Hai tới, bao gồm cả bộ sưu tập haute culture (những sản phẩm cao cấp được đặt may riêng với tiêu chuẩn khắt khe nhất).                  

Isabelle Capron, người đứng đầu cơ sở tại Paris của tập đoàn thời trang Trung Quốc Icicle, nhận định, thời trang Trung Quốc đang hướng ra toàn thế giới và tạo nên những quan niệm mới về đất nước này. Theo bà, cụm từ 'Made in China'  mới đang đại diện cho chất lượng và sự tinh tế.

Được thành lập tại Thượng Hải vào năm 1997, Icicle có 270 cửa hàng tại Trung Quốc và tạo ra doanh thu 250 triệu euro (275 triệu USD) mỗi năm.

Theo phong cách “trở về với tự nhiên” , Icicle ưa chuộng các loại vải tự nhiên như cashmere, lụa, cotton, len và vải lanh.

Thương hiệu thời trang này sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên làm từ hành tây, vỏ quả óc chó, cây tùng lam và trà để tạo màu cho quần áo tại ba nhà máy của mình tại Trung Quốc.

Mặc dù nhiều thương hiệu thời trang phương Tây được sản xuất tại Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng châu Âu vẫn đánh giá quần áo được gắn mác "Made in China" là chất lượng tầm thường.

Tuy nhiên, bà Capron cho biết, ngày nay quan niệm của khách hàng đã thay đổi thực sự khi làn sóng mới của các thương hiệu Trung Quốc xuất hiện như  một “làn sóng thủy triều".

Chuyên gia hàng hóa xa xỉ Eric Briones cho biết, Trung Quốc ngày nay chiếm khoảng 35% thị trường hàng xa xỉ toàn cầu.

Theo ông, sự trỗi dậy của “Made in China” mới chỉ là khởi đầu của một cuộc cách mạng, được khởi xướng bởi một thế hệ trẻ muốn tiêu thụ đồ Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh rằng đó là một sự trở lại để ủng hộ cho các thương hiệu trong nước vốn bắt đầu từ những bộ trang phục đường phố thường ngày và hiện đang lan sang các dòng quần áo xa xỉ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục