Tham vấn về Dự án thủy điện Pắc – Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông

21:51' - 12/05/2017
BNEWS Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia và các tỉnh, thành khu vực phía Nam về Dự án thủy điện Pắc - Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông. 

Tại hội nghị tổ chức ngày 12/5 ở thành phố Cần Thơ, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam: Là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam đang theo dõi các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông với sự quan tâm đặc biệt và quan ngại sâu sắc về các tác động của các công trình trên đến môi trường, kinh tế - xã hội, sinh thái và sinh kế của 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Các tác động tích lũy từ sự gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu cực đoan đã tạo thành tác động kép lên toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long mà đỉnh điểm là đợt hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô 2016 và sạt lở nghiêm trọng, lún đất xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở sông Vàm Nao (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vào cuối tháng 4 vừa qua).

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mục tiêu và định hướng của Hội thảo là tham vấn về khoa học, pháp lý để có kiến nghị đảm bảo lợi ích tổng thể, kinh tế, môi trường và xã hội, hài hòa lợi ích cộng đồng của nước bạn và Việt Nam. Tham vấn này sẽ được trình lên các cấp cao hơn và được đưa ra tại các phiên họp của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Công trình thủy điện Pắc - Beng nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Lào, thuộc huyện Pắc Beng, tỉnh Oudomxay. Vị trí xây dựng công trình tại Km 2.188, cách thành phố Viên Chăn 610 km về phía thượng lưu và cách biên giới Việt Nam 1.933 km. Pắc - Beng là đập thủy điện thứ nhất trong chuỗi 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, trong đó 9 đập của Lào và 2 đập của Campuchia.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị Chính phủ có ý kiến với nước bạn Lào tạm hoãn thực hiện Dự án thủy điện Pắc – Beng, cần thêm thời gian tham vấn cho đến khi các con số đưa ra đảm bảo yêu cầu đánh giá tác động.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội nhận xét, các vấn đề của đập Pắc – Beng là thiếu số liệu và chuỗi số liệu quá ngắn so với thời gian sử dụng của đập.

Theo Giáo sư Trân, việc đánh giá mối tương quan giữa mực nước và lưu lượng nước chỉ lấy số liệu trong 6 năm là quá ngắn, không đủ thời gian để xây dựng một đánh giá tác động có thể tin cậy được.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, dự án này tác động bất lợi cho Đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều. Cơ chế vận hành của đập Pắc - Beng và 10 đập phía sau hoàn toàn khác với các đập của Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam lại không nêu rõ điều này. Theo đó, đập Pắc – Beng cần phải tích lũy nhiều nước hơn để phát điện và sẽ ảnh hưởng đến lượng nước xuống hạ nguồn.

Giáo sư Trân cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở bờ biển do thiếu trầm tích. Trong khoảng 20 – 30 năm nữa, nguy cơ Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm thực, nhấn chìm là có thể xảy ra. Do đó, cần phải đánh giá xem trầm tích bị giữ lại ở các đập trong thời gian 10, 20 năm có tác động như thế nào đến hạ nguồn. Lượng phù sa bị giữ lại là bao nhiêu và còn lại bao nhiêu cho đồng bằng.

“Tôi đề nghị nước bạn Lào tạm hoãn xây dựng đập để làm báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện để trình các quốc gia trong khu vực. Các bạn vẫn làm nhưng với điều kiện phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, có chất lượng hơn”- Giáo sư Trân nói.

Đặc biệt, Giáo sư Trân còn cung cấp thông tin thủy điện Pắc – Beng nằm trong vùng động đất hoạt động rất mạnh. Ở chu kỳ 10 - 20 năm động đất có thể xảy ra với cường độ 5 – 6 độ Richter. Và chu kỳ 50 năm thì cường độ động đất có thể lên đến 7 độ Richter. Các khu vực gần với Pắc – Beng trong thời gian từ 1935 – 2011 đã ghi nhận nhiều trận động đất mạnh 6 – 7 độ Richter.

Do đó, vấn đề động đất với an toàn của đập rất quan trọng, nếu xảy ra động đất thì sẽ vỡ đập dây chuyền. Đây là điều quan trọng mà báo cáo chưa nói tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ lo ngại việc đánh giá tác động của đập Pắc – Beng sẽ lặp lại bài học của Xayaburi và Don Sa-hong. Ông Tuấn cho rằng, báo cáo sử dụng đánh giá tác động môi trường cũ và không chính xác và đề nghị phía Lào hoãn lại dự án để có đánh giá về mặt kỹ thuật đầy đủ hơn.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện Sinh thái học Miền Nam đánh giá, báo cáo về Dự án thủy điện Pắc – Beng chưa đủ cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, còn thiếu đánh giá tác động xuyên biên giới.

Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ hàng triệu năm do phù sa sông Mê Kông và khi không còn phù sa nữa thì việc sụt lún đồng bằng sẽ xảy ra. Ông Long kiến nghị nên bổ sung những nghiên cứu tác động xuyên biên giới về biến đổi khí hậu.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long mà gần đây nhất là trên sông Vàm Nao nguyên nhân chính là thiếu hụt bùn và cát.

Theo đó, tác động lớn nhất của Pắc- Beng là đến nguồn phù sa và cát, do đó phải được đặt trong bối cảnh chung của 11 đập được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông.

Bên cạnh ý kiến các chuyên gia, đại diện các tỉnh, thành tham dự hội thảo cũng bày tỏ quan điểm về Dự án thủy điện Pắc – Beng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi, Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông nên sau này các thông tin liên quan đến các đập này và các dự án trên sông Mê Kông nên thông tin chính thống để người dân được tiếp cận.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị, ngoài việc tham vấn cho đập Pắc – Beng, cần có bảng tính toán về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng với ảnh hưởng của các đập thủy điện đến Đồng bằng sông Cửu Long vì hai quá trình này sẽ tác động kép đến đồng bằng.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc tham vấn về Dự án thủy điện Pắc – Beng là cần thiết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long và cân bằng lợi ích của Việt Nam, Lào. Việt Nam hết sức chia sẻ với nước bạn Lào.

Theo ông Trần Hồng Hà, các đại biểu đã nêu lên vấn đề, đó là cơ sở quan trọng để làm nền tảng. Những số liệu còn thiếu, lạc hậu sẽ được xem xét đề xuất phương án bổ sung.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tập trung đầu tư, nghiên cứu đánh giá kỹ hơn về dòng chảy, phù sa bồi lắng, cát, tác động trên toàn bộ lưu vực từ thượng nguồn đến vùng ven biển. Qua đó, tính toán thêm vấn đề sinh kế của người dân hạ nguồn, người dân khu vực xây dựng thủy điện.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng chú ý đến vấn đề an toàn của các đập thủy điện mà báo cáo chưa nêu cùng tác động tích lũy từ các hồ đập thủy điện khi xảy ra sự cố để đảm bảo phương án an toàn trong quá trình vận hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục