Tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng

15:19' - 27/03/2019
BNEWS UNDP phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng để chuẩn bị cho việc thực hiện luật vào ngày 1/7 tới đây.
Hội thảo Tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Ngày 27/3 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 năm 2019 tới đây.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ của Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN”, do Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ, với sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, UNDP, Sứ quán Anh, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức, cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Akiko Fujii, Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, tham nhũng là một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới việc đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực song ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỷ USD bị thất thoát do tham nhũng và đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn.

Bà Fujii đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống tham nhũng và cũng cho hay, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Phòng chống tham nhũng của Liên Hiệp quốc năm 2009; đã sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2017 bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng; và thông qua Luật Phòng chống tham nhũng mới vào năm 2018.

Đặc biệt, điểm mới của dự thảo luật lần này là mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì Mục tiêu Phát triển bền vững; trong đó, giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức là một trong những chỉ số chính.

Đại diện đơn vị soạn thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ cho biết, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cụ thể nhiều nội dung; trong đó, phạm vi điều chỉnh gồm các điều khoản liên quan tới trách nhiệm giải trình, tiêu chí đánh giá phòng chống tham nhũng, quy định về thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý.

Ngoài ra, các quy định về tặng quà, kiểm soát xung đột lợi ích, áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước...cũng được điều chỉnh.

Dự thảo nghị định cũng xác định rõ ràng các hành vi tham nhũng bao gồm hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đòi hỏi, ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải nộp những khoản chi phí ngoài quy định hoặc phải thực hiện hành vi khác vì lợi ích của người có hành vi nhũng nhiễu.

Dự thảo nghị định quy định hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi cố ý không thực hiện trách nhiệm mà pháp luật quy định cho mình để triển khai nhiệm vụ, công vụ được giao hoặc không thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn liên quan đến nhiệm vụ, công vụ của mình vì vụ lợi hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.... Trách nhiệm giải trình cũng là nội dung rất quan trọng và được nêu khá chi tiết, cụ thể trong dự thảo nghị định lần này.

UNDP đã và đang hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong quá trình xây dựng và thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Dự thảo nghị định được đưa ra thảo luận tại hội thảo lần này sẽ hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số điều trong Luật. Đây là bước đầu quan trọng nhằm đưa Luật vào cuộc sống.

Bà Fujii bày tỏ hy vọng, hội thảo sẽ tạo nền tảng cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục