Thẩm phán Mỹ ra phán quyết chặn một hợp đồng lớn của Lầu Năm Góc trao cho Microsoft

14:45' - 14/02/2020
BNEWS Ngày 13/2, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra lệnh tạm thời phong tỏa một hợp đồng lớn mà Lầu Năm Góc trao cho hãng Microsoft sau khi Tập đoàn Amazon đệ đơn kiện Bộ Quốc phòng Mỹ "ưu ái" Microsoft.

Thẩm phán Patricia Campbell-Smith đã cấm Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu thực hiện hợp đồng điện toán đám mây có tên gọi Cơ sở hạ tầng quốc phòng doanh nghiệp chung (JEDI).

Chi tiết của phán quyết không được công bố do có lệnh của tòa án. Tuy nhiên, để có được phán quyết này, Amazon đã phải chấp nhận nộp 42 triệu USD để trả bất cứ chi phí hay thiệt hại nào nếu sau này phán quyết của tòa án được xác định là sai trái.

Hồi tháng 11/2019, Amazon đã đệ đơn kiện Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan tới quyết định trước đó của Lầu Năm Góc chọn Microsoft cho dự án cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD. Theo người phát ngôn của Amazon Web Services - công ty con của Amazon, hãng đã nộp đơn kiện và một bản kiến nghị bổ sung lên Tòa Khiếu kiện Liên bang Mỹ.

Tập đoàn Amazon cho rằng nguyên nhân mất hợp đồng trên do chủ sở hữu của tập đoàn này là ông Jeff Bezos (Giép Bê-dốt) -  người cũng sở hữu tờ báo Washington Post, đã đưa ra nhiều lời chỉ trích nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên,  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (Mác E-xpơ) đã phủ nhận việc chính trị đóng vai trò trong quyết định của Lầu Năm Góc.

 Ngày 25/10/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trao cho Microsoft hợp đồng JEDI. Theo các thông báo, JEDI là dự án hạ tầng dữ liệu đám mây chung do doanh nghiệp hỗ trợ Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng để lưu trữ và cung cấp dữ liệu, cũng như chia sẻ thông tin trong một hệ thống chung. Đây là dự án được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của Lầu Năm Góc trong tương lai.

Trước đó, Microsoft và Amazon là hai tập đoàn đã vượt qua IBM và Oracle để lọt vào vòng cuối của cuộc đấu thầu mà truyền thông Mỹ mô tả là "chiến tranh đám mây". Đã có nhiều thông tin cho rằng chiến thắng lẽ ra thuộc về Amazon./.

Xem thêm:

>>Công ty mẹ của Google là Alphabet lọt top "đại gia" nghìn tỷ USD

>>Microsoft cam kết trở thành doanh nghiệp "âm carbon" vào năm 2030

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục