Thái Bình sẽ thí điểm 5 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

18:31' - 13/03/2018
BNEWS Ngày 13/3, Đoàn công tác của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và hoạt động của Liên minh hợp tác xã tỉnh.
Ngày 13/3/2018, Đoàn công tác của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và hoạt động của Liên minh hợp tác xã tỉnh Thái Bình. Ảnh: Phạm Thế Duyệt/TTXVN

Đoàn công tác của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thái Bình đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tỉnh Thái Bình nói riêng, đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, đặc biệt là những phát sinh sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tỉnh Thái Bình hiện có 480 hợp tác xã và 127 tổ hợp tác với trên 525.000 thành viên; trong đó, hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là chủ yếu, với 318 hợp tác xã (chiếm 66%); 85 hợp tác xã quỹ tín dụng nhân dân; 54 hợp tác xã điện năng; còn lại là hợp tác xã thuộc các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; giao thông vận tải; xây dựng.

Tổng doanh thu bình quân của hợp tác xã năm 2017 đạt 1,2 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 90 triệu đồng/năm. Năm 2017 thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động trong các hợp tác xã đạt 32 triệu đồng/năm.

Đến nay, đã có 210 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm là 9.766ha.
Hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn đã thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, việc chuyển đổi còn mang nặng hình thức, có tính chất “bình mới, rượu cũ”; nhiều hợp tác xã khó khăn về nguồn vốn, chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp, do đó sản phẩm chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thái Bình nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn; đồng thời, nhấn mạnh trong năm 2018 Liên minh hợp tác xã Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh Thái Bình thực hiện thí điểm 5 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại 4 huyện, thành phố trên địa bàn gồm Thái Thụy, Hưng Hà, Tiền Hải và thành phố Thái Bình; từ đó tạo nền tảng, nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất và quản lý bộ máy hợp tác, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã tại tỉnh Thái Bình hoạt động hiệu quả.
Xem thêm:

>>>Phát triển hợp tác xã kiểu mới và chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam

>>>Cà Mau đề nghị Hợp tác xã nghêu Đất Mũi ngưng ngay việc thả nghêu giống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục