Thái Bình: Mới có 2 cụm công nghiệp làm hạ tầng xử lý nước thải

17:38' - 25/12/2018
BNEWS Đến nay, Thái Bình mới có 2 cụm công nghiệp có hạ tầng xử lý nước thải tập trung là Cụm công nghiệp Phong Phú (thành phố Thái Bình) và Cụm công nghiệp làng nghề Thái Phương (huyện Hưng Hà).
Đến nay, tỉnh Thái Bình mới có 2 cụm công nghiệp có hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020 của tỉnh có 50 cụm công nghiệp, trong đó 48 cụm nằm trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Hiện mới có 28 cụm công nghiệp hoạt động với tỷ lệ lấp đầy thấp, trung bình từ 15 - 20%, trong đó chỉ có 19 cụm công nghiệp có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ của các cụm công nghiệp còn rất hạn chế, hạng mục xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung hầu hết chưa được quan tâm.

Đến nay, tỉnh mới có 2 cụm công nghiệp có hạ tầng xử lý nước thải tập trung là Cụm công nghiệp Phong Phú (thành phố Thái Bình) và Cụm công nghiệp làng nghề Thái Phương (huyện Hưng Hà). Cụm công nghiệp Phong Phú thực hiện đấu nối nước thải vào Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, trong đó mới có 38/51 doanh nghiệp có nước thải được thu gom đấu nối.

Cụm công nghiệp làng nghề Thái Phương đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng còn đang xây dựng cơ chế quản lý vận hành... Các cụm công nghiệp còn lại đều chưa có trạm xử lý nước thải tập trung và khu tập kết chất thải rắn bảo đảm quy định.

Việc xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong cụm công nghiệp hầu hết là các cơ sở tự đầu tư xử lý, nên rất khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Trước thực trạng này, tháng 7/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình đã ban hành văn bản về việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, gửi và đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm, khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình hành động, văn bản của UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động trong các cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; đôn đốc các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hạng mục xử lý nước thải tập trung cho cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, đánh giá hiện trạng các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xúc tiến đầu tư, làm cầu nối thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp trong tỉnh, lựa chọn các dự án đầu tư ít gây ô nhiễm môi trường...

Để góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh có biện pháp, cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhất là ưu đãi trong xử lý nước thải và tăng cường chỉ đạo, giám sát UBND các huyện, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp.

Theo quy định của UBND tỉnh Thái Bình, Sở Công Thương là cơ quan tham mưu giúp việc UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp. UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định hiện hành đối với các cụm công nghiệp; đầu tư hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào cụm công nghiệp; xây dựng và thực hiện kế hoạch di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào trong các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Chủ đầu tư cụm công nghiệp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong giai đoạn chuẩn bị dự án theo quy định./.

>>> Nước xả thải bốc mùi nồng nặc chảy ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục