Thách thức trong phát triển đô thị Việt Nam

18:22' - 25/06/2019
BNEWS Quá trình đô thị hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu một cách rõ rệt nhưng cũng tồn tại những mặt tiêu cực.

Ngày 25/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo “Báo cáo Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2020 – 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025” và dự thảo “Chiến lược phát triển đô thị quốc gia”.

Quảng cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Quá trình đô thị hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu một cách rõ rệt. Tuy nhiên, đô thị hóa cũng có những mặt tiêu cực.
Cụ thể, việc sử dụng năng lượng không bền vững trong khi nhu cầu năng lượng và nước toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 40% đến 50%; quản lý chất thải rắn chiếm khoảng phần lớn ngân sách hàng năm của các thành phố ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Cùng đó, tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán có thể kết hợp lẫn nhau, làm cho quản lý rủi ro thiên tai trở nên phức tạp hơn.

Đặc biệt, khu ổ chuột vẫn là một thách thức của các thành phố ở các nước đang phát triển; gia tăng bất bình đẳng trong các khu đô thị; thể chế và pháp luật không toàn diện; quản lý đô thị chưa hiệu quả…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn yêu cầu đánh giá thực chất quá trình phát triển đô thị của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, nhận định các ưu - nhược điểm cũng như chỉ ra thách thức lớn nhất.
Với các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng các vấn đề về giao thông, sự quá tải dân số, hạ tầng, đất đai, năng lượng, quản lý phát triển đô thị…, Bên cạnh đó, cần chú ý đến những xu hướng mới trong phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng “Báo cáo Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn năm 2011 – 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2020 – 2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025” và dự thảo “Chiến lược phát triển đô thị quốc gia”.

Đến nay, cơ quan soạn thảo đã hoàn thành phiên bản một dự thảo của 2 tài liệu trên.
Mục tiêu chung của phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2030 là thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng.

Hệ thống đô thị Việt Nam tiếp tục xây dựng theo hướng hoàn chỉnh phát triển mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững…
Ông Ian Green – Tư vấn trưởng Dự án trưởng Dự án Xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia của ADB nhấn mạnh, quản lý đô thị là một trong những thách thức lớn bởi phải đảm bảo phát triển kinh tế, phúc lợi cho mọi đối tượng và cả sự bền vững cho môi trường,…

Các công việc không thể thiếu là xây dựng năng lực, cung cấp các công cụ, ưu đãi và dành không gian cho các sáng kiến của địa phương. Đây cũng chính là vai trò của Chiến lược Phát triển đô thị Quốc gia.
Tiến sỹ Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam đã đưa ra cách tiếp cận mới về phát triển đô thị cần tuân thủ quy luật thị trường; trong đó nhà nước chỉ nên đóng vai trò dẫn dắt.
Ông Du cũng chỉ ra nhiều vấn đề đối với quá trình phát triển các thành phố hiện nay. Theo đó, chiến lược phát triển quốc gia có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thành phố; tỷ lệ thu ngân sách mà thành phố được phép giữ lại để chi tiêu là yếu tố quan trọng.

Bên cạnh đó, cần nhất quán theo đuổi chiến lược dài hạn bởi những biện pháp chung chung đơn giản sẽ không thể giải quyết được các vấn đề của thành phố.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục