Thách thức của tân Thủ tướng Australia trong chính sách châu Á

06:03' - 07/09/2018
BNEWS Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia vừa có bài viết về tân Thủ tướng Scott Morrison cũng như đường hướng quan hệ kinh tế, chính trị với Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh AFP/TTXVN
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia vừa có bài viết trên “Thayer Consultancy” đánh giá về tân Thủ tướng Scott Morrison cũng như đường hướng quan hệ kinh tế, chính trị với Trung Quốc và khu vực ASEAN.

Ông Scott Morrison từng giữ chức Bộ trưởng Ngân khố trước cuộc bỏ phiếu ngoài dự kiến của đảng Tự do đưa ông lên chức Thủ tướng Australia. Ông lên nhậm chức vào thời điểm khó khăn khi nội bộ đảng Tự do bị chia rẽ sâu sắc.

Trong bài phát biểu đầu tiên, ông Morrison đã đề ra ba ưu tiên của chính phủ mới đó là: giải quyết nạn hạn hán đang ảnh hưởng tới các vùng nông thôn ở Australia, thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia. 

Ngoài ra, tân Thủ tướng cũng phải giải quyết những vấn đề trong nước khác vốn đang gây chia rẽ trong đảng Tự do cầm quyền như thuế công ty, cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách năng lượng, vấn đề tài trợ cho cơ chế bảo hiểm cho người tàn tật quốc gia và các trường Công giáo.

Thực tế, để trả lời cho câu hỏi này sau bài phát biểu đầu tiên trước cả nước, Thủ tướng Morrison tuyên bố: “Chúng tôi sẽ duy trì tính liên tục (về chính sách), nhưng sẽ có những điểm nhấn mạnh và đường hướng cần tham vấn trong nội các”. Tính liên tục được thể hiện trong đội ngũ nội các mà ông Morrison mới bổ nhiệm với rất nhiều bộ trưởng trong nội các cũ. 

Australia là nước có nền dân chủ nghị viện. Cuộc bầu cử liên bang được tổ chức 3 năm một lần, nhưng Thủ tướng có quyền kêu gọi một cuộc bầu cử trước thời hạn. Chính phủ Liên đảng Tự do-Quốc gia hiện nay được bầu vào tháng 7/2016 với quá bán chỉ hơn 1 ghế tại Hạ viện. Cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull từ bỏ ghế nghị sỹ ngày 31/8 và do vậy khu vực bầu cử của ông Turnbull buộc phải tổ chức bầu cử bổ sung để lấp chỗ trống mà ông Turnbull để lại. 

Ông Morrison sẽ phải dẫn dắt một chính phủ thiểu số từ nay cho tới khi cuộc bầu cử bổ sung được tổ chức, điều này đẩy chính phủ mới vào tình thế nguy hiểm bởi Công đảng đối lập và các nghị sỹ đảng nhỏ hay độc lập khác có thể đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Do vậy, điều sống còn đối với Chính phủ Morrison là phải thắng được cuộc bầu cử bổ sung sắp tới để duy trì quyền lực. 

Việc ông Morrison được bầu làm Thủ tướng cũng tạo cơ hội để Australia thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc, vốn trở nên căng thẳng dưới thời ông Turnbull. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chúc mừng ông Morrison thắng cử và tuyên bố: “Chúng tôi mong muốn hợp tác với Australia để phát triển hơn nữa mối quan hệ theo đúng hướng”. 

Tuy nhiên, ông Morrison sẽ cần tìm cách giải quyết tình thế hiện nay khi đang tồn tại những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ song phương xuất phát từ sự can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề nội bộ của Australia, những quan ngại về an ninh đối với vai trò của tập đoàn Huawei trong lĩnh vực viễn thông của Australia. 

Không có quan chức chính phủ nào của Australia thực hiện chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc trong gần 1 năm qua. Cựu Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo dự định thăm Trung Quốc vào tháng 11 này nhưng nay ông đã bị thay thế và vị bộ trưởng mới không có mối liên hệ cá nhân nào với người tiền nhiệm của mình.

Trong khi đó, quan hệ của Australia với ASEAN đã được định hình tại hội nghị thượng đỉnh hai bên ở Sydney hồi đầu năm nay. Australia sẽ tiếp tục can dự với ASEAN và theo đuổi chính sách đã được các bên nhất trí về vấn đề Biển Đông trong Tuyên bố Sydney. Thủ tướng Morrison sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách đã được vạch ra trong Sách Trắng Quốc phòng 2016 và Sách Trắng Chính sách Đối ngoại 2017 của Australia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục