Thách thức đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện

11:28' - 06/10/2018
BNEWS Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần tới gần 130 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện, nhiều ý kiến đang lo ngại về việc cung ứng than, đảm bảo an ninh năng lượng.
Nguồn nhiệt điện đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Việt Nam, nguồn nhiệt điện đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện và đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và các năm sau. Tỉ lệ nhiệt điện than của Việt Nam cũng tương đồng với nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, với hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần tới gần 130 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện thì nhiều ý kiến lo ngại về việc cung ứng than, đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới.

Thời gian gần đây, nhiều câu hỏi được đặt ra như: Tại sao phải xây dựng nhiệt điện than ở các tỉnh phía Nam ? Tại sao không lựa chọn để phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo tại những khu vực này ? Và lo ngại về vấn đề cung ứng than cho hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than.

Chia sẻ về vấn đề này, theo PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, tính cả nước nói chung và riêng tại miền Nam, nguồn nhiệt điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng cao. Bởi lẽ, với thủy điện, dù giá thành sản xuất điện rẻ nhất, sạch, thời gian xây dựng ngắn nhưng Việt Nam và các nước hiện nay đã khai thác gần như triệt để, không còn nguồn để phát triển. Đồng thời, thủy điện cũng tốn nhiều diện tích để làm hồ chứa, lượng di dân rất lớn, cần có rừng phòng hộ và khơi thông lòng hồ thường xuyên.

Với nhiệt điện khí, thời gian thi công nhanh, hiệu suất cũng rất cao, đạt tới gần 60% so với từ 42 - 43% của nhiệt điện than. Tuy nhiên, giá nguồn điện khí lại rất đắt, chi phí vận hành, bảo dưỡng cao gấp 2 lần nhiệt điện than. Ngoài ra, vấn đề nguồn cung khí cũng đang hạn chế.

Còn với điện từ năng lượng tái tạo, gồm địa nhiệt, điện gió, điện mặt trời, biomass giúp bảo vệ môi trường, song số giờ Tmax chỉ đạt 1.500 giờ/năm, sản lượng điện chỉ đạt từ 1/5 - 1/6 so với nhiệt điện than.

Như vậy, giá sẽ cao hơn điện than. Đó là chưa tính đến việc xử lý môi trường sau dự án và việc đấu nối.... Sự phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện thiên nhiên, vận hành rất phức tạp... cũng là nguyên nhân chưa thể đẩy mạnh loại năng lượng này.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với năng lượng tái tạo, Việt Nam đã có nhiều dự án điện mặt trời, cụ thể như: EVN đã triển khai các bước quy hoạch và đầu tư 23 dự án, với tổng công suất khoảng 3.100 MW; trong đó có 4 dự án điện mặt trời là Phước Thái, Sông Bình, Sê San 4 và Trị An...

Đặc biệt, mới đây, EVN cũng đã ký kết kết 35 hợp đồng mua bán điện mặt trời với tổng công suất hơn 2.270 MW. Các dự án điện gió mới như Thuận Bình, đang nghiên cứu các dự án điện gió tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, còn với các dự án nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên (LNG), cần phải đầu tư hạ tầng kho cảng LNG có chi phí lớn và địa điểm xây dựng phù hợp. Ngoài ra, hiện chưa có dự án LNG nào được xây dựng và vận hành ở Việt Nam nên cần nghiên cứu đánh giá đầy đủ bao gồm khả năng cung cấp ổn định, lâu dài và tính kinh tế của loại hình này.

Với các lý do trên, các chuyên gia ngành điện cho rằng tại Việt Nam, nguồn nhiệt điện vẫn đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện và đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và các năm sau. Tỉ lệ nhiệt điện than của Việt Nam cũng tương đồng với nhiều nước trên thế giới.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% tổng lượng điện sản xuất với mức tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất khoảng 55.300 MW, chiếm 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than.

Nhiều ý kiến cho rằng, để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 90 triệu tấn than/năm sau giai đoạn 2030. Đây là áp lực không nhỏ trong việc đảm bảo cung ứng đủ than cho nhiệt điện.

Ông Nguyễn Tài Anh, đại diện EVN cho hay, với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng nguyên liệu than, đến năm 2020, nhu cầu than cho phát triển điện lên tới 61,8 triệu tấn đối với phương án cơ sở và có thể lên đến 68,5 triệu tấn với phương án cao.

Trong khi đó, nguồn than nội địa cho phát triển cung cấp từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc sẽ không đủ cho các nhà máy nhiệt điện theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần tới gần 130 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện. Ảnh minh họa: TTXVN

Từ năm 2016, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than cho dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3; năm 2017, nhập khẩu 4,5 triệu tấn; năm 2020, lượng than cần nhập khoảng 24 triệu tấn. Tỷ trọng khối lượng than nhập khẩu trong khối lượng than cần cho phát điện ngày càng tăng lên. Như vậy, việc đảm bảo than cho phát điện sẽ là vấn đề rất quan trọng.

Theo đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện than tại miền Trung Nam bộ, vùng Duyên Hải, có địa hình sông ngòi, cự ly vận chuyển xa, phương án tốt nhất là bằng đường sông. Tuy nhiên, năng lực vận chuyển đường sông nội địa trên toàn quốc là rất thấp, chỉ được khoảng 10 triệu tấn/năm. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có cảng nào có khả năng tiếp nhận trực tiếp tàu có tải trọng đến 100.000 DWT.

Để đảm bảo than cho các dự án nhiệt điện, mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cân đối nguồn cung cấp để đảm bảo phân phối than phù hợp với nhu cầu các hộ tiêu thụ trước nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng cao. TKV phân phối theo nguyên tắc ưu tiên hàng đầu giao than cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam như Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Vũng Áng...

Cùng với đó, tập đoàn này cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mỏ mới, mở rộng sản xuất, các dự án lớn như khai thác mỏ Khe Chàm II – IV và Dự án Hầm lò mỏ Núi Béo.... Mục tiêu đến năm 2020, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành đạt gần 50 triệu tấn, năm 2030 đạt khoảng từ 55-57 triệu tấn. Đây là thách thức không nhỏ với ngành than, đặc biệt là vấn đề ưu tiên đảm bảo nguồn cung cấp ổn định, lâu dài với số lượng lớn than cho sản xuất điện.

Theo khảo sát của TKV, các nước có khả năng xuất khẩu than cho Việt Nam gồm Australia, Indonesia, Nam Phi và Nga... Trong ngắn hạn nên tập trung vào thị trường Australia, Indonesia, còn về dài hạn có thể mở rộng thị trường nhập khẩu sang Nga, Nam Phi... Tuy nhiên, với khối lượng dự báo lớn, việc nhập khẩu than để đảm bảo sản xuất điện sẽ là rất khó khăn.../.

>>> Sẽ có cơ chế đảm bảo nguồn cung theo quy hoạch phát triển nhiệt điện than

>>> Vướng định mức đơn giá: Chủ đầu tư và nhà thầu cùng “méo mặt”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục