Tàu giã cào hoạt động bất chấp mọi quy định

17:13' - 21/09/2018
BNEWS Theo quy định, tàu thuyền làm nghề giã cào (nghề lưới kéo) không được phép hoạt động ở tuyến bờ, nhưng do nghề này có lợi nhuận cao nên các chủ tàu bất chấp mọi quy định, hoạt động sai tuyến.
Một tàu cá của ngư dân vi phạm khai thác giã cào. Ảnh: Võ Dung-TTXVN

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, theo quy định, tàu thuyền làm nghề giã cào (nghề lưới kéo) không được phép hoạt động ở tuyến bờ, nhưng do nghề này có lợi nhuận cao nên các chủ tàu bất chấp mọi quy định, hoạt động sai tuyến. Tỉnh hiện có 196 tàu đang hành nghề giã cào (bao gồm cả giã cào đơn và giã cào đôi); trong đó, tập trung nhiều ở huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi.
Sự phát triển của nghề giã cào và các hoạt động khai thác hải sản bằng lưới kéo không đúng tuyến theo quy định thời gian qua đã có tác động xấu đến nguồn lợi, môi trường đáy biển và ảnh hưởng đến các nghề khác hoạt động ven bờ. Bên cạnh đó, một số tàu dù không được cấp phép nhưng vẫn lén lút hành nghề và còn nhiều trường hợp từ các địa phương khác đến hoạt động giã cào trên vùng biển của tỉnh.
Theo phản ánh của những ngư dân làm nghề đánh bắt ven bờ, nạn giã cào đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản khiến việc mưu sinh của ngư dân ven bờ ngày càng khó khăn. Những tàu giã cào đều có công suất lớn, tốc độ cao và chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi xa và ở một số vùng biển nhất định. Tuy nhiên, nhiều tàu giã cào đã bất chấp quy định, ép sát bờ dùng lưới có mắt rất nhỏ để đánh bắt.
Với chiều dài của lưới kéo từ 500 - 1.000m và thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé ở giữa 2 tàu kéo gần như nằm gọn trong lưới. Kiểu đánh bắt này đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những tàu giã cào còn làm hư hỏng ngư lưới cụ, ghe thuyền nhỏ của ngư dân mưu sinh ven bờ.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tàu giã cào hoạt động vi phạm tuyến bờ và tuyến lộng diễn ra khá phức tạp, đánh bắt trong vùng khai thác của tàu thuyền công suất nhỏ làm nghề truyền thống như lưới rê, lưới cước, mành chà,... gây bức xúc và phản ứng gay gắt trong ngư dân.

Không những vậy, những tàu giã cào còn chống đối lực lượng chức năng. Bên cạnh các tàu cá trong tỉnh vi phạm, thì giã cào của một số tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang… cũng đến hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, tuy có nhiều nỗ lực trong triển khai ngăn chặn tàu giã cào hoạt động sai tuyến, nhưng tình trạng tàu giã cào vi phạm vùng khai thác (vùng lộng và vùng biển ven bờ) vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp tại nhiều vùng biển trong tỉnh.

Một số tàu cá giã cào không được cấp giấy phép khai thác thủy sản nhưng vẫn hoạt động khai thác, đặc biệt tình trạng đối tượng vi phạm có hành vi manh động, chống đối, nhất là đối tượng sử dụng cùng lúc nhiều tàu cá áp sát, uy hiếp tàu tuần tra, nguy cơ gây mất an toàn, nguy hiểm cho người thi hành công vụ.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, từ đầu năm đến tháng 9/2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt 38 trường hợp tàu giã cào trong và ngoài tỉnh vi phạm đánh bắt; trong đó, có 8 tàu của Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, còn lại tàu của huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi.
Theo đó, đối với các tàu giã cào ngoài tỉnh, ngoài việc xử phạt tại chỗ, Chi cục Thủy sản tỉnh còn gửi thông báo đến cơ quan quản lý nghề cá tại địa phương nơi tàu đăng ký, yêu cầu phối hợp xử lý và có biện pháp quản lý, giáo dục. Đối với tàu giã cào trong tỉnh, ngoài xử phạt theo quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.
Bình Thuận cũng đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến hoạt động của các đội tàu công suất lớn hành nghề giã cào. Theo đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thực hiện thống nhất trên cả nước việc cấm đóng mới phát triển tàu cá hành nghề giã cào. Không cho phép đóng mới phát triển tàu cá hành nghề giã cào; chỉ cho phép đóng mới thay thế nhằm giữ nguyên cường lực khai thác và dần kéo giảm nghề giã cào.
Trong năm, tỉnh đã cấm tàu giã cào công suất lớn hơn 150 CV hoạt động khai thác thủy sản từ ngày 1/4 đến ngày 31/7 hàng năm, vì đây là mùa sinh sản của các loài hải sản; dễ gây xung đột nghề nghiệp, làm mất an ninh trên biển.
Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương trong cả nước cần quy định những khu vực cấm tuyệt đối với nghề giã cào, nhằm từng bước xây dựng các khu vực phục hồi sinh thái cho vùng biển ven bờ; tạo môi trường phục hồi nguồn lợi thuỷ sản tại các địa phương....
Về phía tỉnh Bình Thuận, tỉnh là đã ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ – UBND về cấm đóng mới tàu cá làm nghề giã cào trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 20/3/2018, cấm đóng mới tàu cá làm nghề giã cào. Không cho phép đóng mới tàu cá để làm nghề giã cào dưới mọi hình thức (bao gồm cả nghề giã cào đơn và nghề giã cào đôi), kể cả khi tàu giải bản, bị hư hỏng, mục nát hoặc bị tai nạn…
Để hạn chế tình trạng giã cào hoạt động gần bờ, tận diệt nguồn lợi, UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường quản lý, ngăn chặn và xử lý các tàu giã cào vi phạm trên các vùng biển; đặc biệt tập trung phương tiện, con người tuần tra, kiểm soát một cách thường xuyên trên vùng biển Tuy Phong và các vùng biển khác trong tỉnh.

Các đồn biên phòng thực hiện đầy đủ các giải pháp ngăn chặn, xử lý tàu giã cào hoạt động trái phép, tiếp tục kiểm tra, rà soát tàu cá hành nghề giã cào tại các địa phương cũng như kiểm soát chặt chẽ khi tàu xuất bến. Trường hợp tàu cá vi phạm có hành vi manh động, đe dọa, chống đối, gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng phải điều tra xử lý hình sự theo quy định pháp luật./.

>>>Bình Thuận xử lý nghiêm vi phạm đối với tàu cá giã cào bay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục