Tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang thị trường ASEAN

11:50' - 23/09/2019
BNEWS ASEAN là thị trường rộng lớn và hiện đã thông mở cho mọi quan hệ thương mại, trao đổi dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên.

Nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng trong khối ASEAN, trong khuôn khổ Đề án 25 về “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và dự án EU ARISE Plus, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang thị trường ASEAN” vào sáng 23/9 tại Hà Nội.

Họp bàn các giải pháp hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang thị trường ASEAN. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Vũ Kiên, Phó Trưởng Ban Quan hệ quốc tế (VCCI) cho biết, ASEAN là thị trường rộng lớn và hiện đã thông mở cho mọi quan hệ thương mại, trao đổi dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên.
Để đảm bảo tính minh bạch cao, sự công bằng về quyền lợi và giảm tình trạng khiếu kiện, tranh chấp giữa các doanh nghiệp với đại diện quản lý chức năng tại các nước... rất cần 1 cơ chế tư vấn, hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tự giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tiến hành các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc thông quan dịch vụ qua biên giới.
Theo ông Kiên, điều này không chỉ góp phần cải thiện hoạt động kinh doanh, trao đổi thương mại giữa các quốc gia nội khối ASEAN mà còn thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, tích cực và hòa hảo trong toàn bộ khu vực.
Giới thiệu về Cổng thông tin của ASEAN do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Chương trình ARISE Plus, ông Paul Mandl, Trưởng dự án cho hay, đây là công cụ trực tuyến nhằm cung cấp các thông tin về luật pháp, các quy định, tiêu chuẩn và giải pháp thuận lợi hóa để tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa hay tiến hành các dịch vụ, thủ tục hải quan hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN (ASSIST - assist.asean.org).
Đây cũng là cơ chế tư vấn hữu ích, không ràng buộc và hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khối ASEAN khi gặp khó khăn vướng mắc có thể tương tác trực tiếp với các các cơ quan chức năng của các nước thành viên để được tư vấn các giải pháp cụ thể nhằm thuận lợi hóa quá trình trao đổi hàng hóa trong nội khối, đảm bảo việc tuân thủ thực thi các thỏa thuận về kinh tế của ASEAN.
Đi vào cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp tương tác trực tiếp với các cơ quan hữu quan của Chính phủ các nước ASEAN, ông Paolo R.Vergano, Chuyên gia về thuận lợi hóa thương mại của ARISE Plus cho hay, các doanh nghiệp có trụ sở tại ASEAN đang phải đương đầu với một số vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa hoặc thương mại dịch vụ trong khu vực ASEAN có thể nộp đơn khiếu nại thông qua một hiệp hội có trụ sở tại ASEAN hoặc ẩn danh bằng cách sử dụng một luật sư hoặc một công ty luật đã đăng ký ASEAN.
Hệ thống ASSIST sẽ giải quyết những vấn đề liên quan tới các biện pháp về thuế quan và phi thuế quan mà ảnh hưởng tới hàng hóa, các vấn đề trong lĩnh vực dịch vụ xuyên biên giới và các vấn đề về hạn chế đầu tư trong một số lĩnh vực khác nhau của hội nhập ASEAN.
Tuy nhiên, ASSIST không tham gia giải quyết tranh chấp giữa nhân viên và chủ lao động hoặc các khiếu nại về phân biệt đối xử, các vấn đề đang hoặc đã bị kiện tụng hoặc được phân xử tại các khu vực tài phán quốc gia, các khiếu nại chống lại các cá nhân hoặc công ty, các vấn đề không liên quan tới thương mại, dịch vụ hoặc đầu tư trong nội bộ ASEAN...
Theo ông Paolo, ASSIST nhằm mục đích trở thành một công cụ hiệu quả cho việc tạo thuận lợi thương mại và hội nhập kinh tế khu vực; nên nó chỉ mang tính tư vấn và không ràng buộc (tức là không tư pháp) về bản chất.

Nó không nhằm mục đích xác định ai đúng và ai sai, mà là tìm giải pháp cho các vấn đề thương mại thực tế. ASSIST cũng có thể được sử dụng ngay cả chỉ để tìm kiếm sự minh bạch hơn về quy định và hoặc sự rõ ràng về diễn giải (ví dụ: quy tắc về nguồn gốc, chế độ hải quan, cấp phép...).
Chia sẻ một số khó khăn từ thực tiễn của các doanh nghiệp dịch vụ logistic, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, với sự trợ giúp của hệ thống ASSIST, các doanh nghiệp đang gặp vướng trong lĩnh vực này sẽ có thêm cơ hội để giải quyết và thoát ra khỏi những vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu và hải quan.
Những khó khăn, thách thức trong hoạt động thương mại ở nội khối ASEAN cần có 1 cơ chế khách quan, đảm bảo tính minh bạch và công bằng đối với mọi doanh nghiệp thuộc mỗi quốc gia thành viên. Có như vậy mới tạo nên 1 mắt xích hoàn hảo, hiệu quả, đảm bảo hoạt động hiệu quả, trơ tru của toàn bộ hệ thống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục