Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ tài chính phát triển

14:18' - 30/05/2018
BNEWS Ngày 30/5, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức “Diễn đàn công nghệ tài chính Việt Nam năm 2018” .
Diễn đàn Công nghệ Tài chính Việt Nam năm 2018. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ về những xu thế phát triển trong lĩnh vực công nghệ tài chính thời gian tới, đặc biệt là những biện pháp quản lý nhà nước được áp dụng đối với lĩnh vực này ở một số quốc gia
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, công nghệ tài chính và ngân hàng có thể đóng góp vào mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính, xóa giảm đói nghèo, tăng cường công bằng xã hội và phát triển kinh tế bền vững. Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, giúp họ gia nhập thị trường.
Cụ thể, từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và cho phép nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Sau khi thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động chính thức cho 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo Công nghệ tài chính vào tháng 3/2017 để đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ tài chính ở Việt Nam phát triển.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ tài chính cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng. Xu thế hợp tác này ngày càng trở nên rõ nét trong những năm gần đây vì đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ tài chính giúp duy trì và phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng hiện đại với những sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Sự phát triển của công nghệ tài chính và việc hợp tác giữa doanh nghiệp công nghệ tài chính và ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, Ban Chỉ đạo Công nghệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về hệ sinh thái công nghệ tài chính ở Việt Nam. Đồng thời, đề ra các nội dung trọng tâm của công nghệ tài chính cần tập trung nghiên cứu là thanh toán điện tử (e-payments), định danh khách hàng điện tử (e-KYC). Ngoài ra, cho vay ngang hàng (P2P Lending), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) và các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain (công nghệ chuỗi khối).
Cùng đó, Ban Chỉ đạo cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech (công nghệ tài chính); tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp công nghệ tài chính để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Công nghệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng nhất mà Ngân hàng Nhà nước cần triển khai trong thời gian tới là tiếp tục nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox Framework) đối với các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp công nghệ tài chính thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, sáng tạo trong phạm vi nhất định, có thời hạn trên cơ sở giám sát từ Ngân hàng Nhà nước.
Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm này sẽ tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ tài chính thử nghiệm các sản phẩm mới dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Từ đó, hạn chế thấp nhất rủi ro cho khách hàng cũng như các bên liên quan khi sử dụng dịch vụ..
Ông Dominic Mellor, chuyên viên đầu tư cấp cao, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước ở cả hai mục tiêu là khuyến khích phát triển công nghệ tài chính cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý. Việt Nam đang có những lợi thế đặc biệt, nhất là ngành công nghệ thông tin để làm nền tảng phát triển công nghệ tài chính nhằm hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục