Tạo nguồn cải cách tiền lương

09:53' - 08/02/2019
BNEWS Trong khu vực công, Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp công.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, sau một năm thực hiện Nghị quyết 18 và 19, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được 11.000 tỷ đồng từ tinh giản bộ máy. Ảnh minh họa: TTXVN

Không cải cách được cơ bản chính sách tiền lương vì vướng chuyện biên chế và vấn đề nguồn kinh phí. Đó là câu chuyện mà qua bao lần nâng lên, đặt xuống, tiền lương vẫn chưa thể cải cách.
Năm 2018, vấn đề tiền lương lại được đặt ra, và lần này, quyết tâm cải cách đã rõ ràng, với nền tảng là hai Nghị quyết 18, 19 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công gắn với tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được Trung ương ban hành trước đó nửa năm.

Đây là giải pháp có tính đột phá, tạo điều kiện tiền đề cho cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương chỉ có thể thành công nếu thực hiện thành công hai Nghị quyết này.
Giảm mạnh đầu mối, tinh giản biên chế
Cho rằng việc cải cách tiền lương là hoàn toàn khả thi, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người được Trung ương giao nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết về cải cách tiền lương, vấn đề quan trọng cần làm ngay, đó là tăng cường sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả sử dụng các đơn vị sự nghiệp công. Mỗi năm bình quân phải giảm 2,5% tổng số biên chế.
Trước đây, có thể nói, việc tinh giản biên chế là vô cùng khó khăn nhưng mấy năm gần đây đã được thực hiện rất quyết liệt, từ việc giao chỉ tiêu chi ngân sách nhà nước trên cơ sở chỉ tiêu biên chế để tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện.

Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng sắp xếp lại, viên chức tuyển mới sẽ không thực hiện chế độ hợp đồng suốt đời mà thực hiện chế độ hợp đồng lao động, không duy trì chế độ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trừ ở các đơn vị sự nghiệp phục vụ cho các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, như vậy sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn lực cho cải cách tiền lương.
Hiện nay, có thể thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các bộ, ngành, địa phương đang làm quyết liệt. Khi cải cách chính sách tiền lương, năm 2017, Hà Nội mới chỉ sắp xếp bước đầu đơn vị sự nghiệp công và đẩy mạnh sắp xếp bên trong các sở, ngành đã giảm được 5,4% chi thường xuyên – một mức rất lớn, chưa kể thu được vào ngân sách tiền đấu giá sử dụng đất từ việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực tế hiện nay, 90% đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương có biên chế dưới 30 người, mà không ít trong số đó chỉ có 10 người nhưng vẫn phải có “đinh, điền, tiền, triện”, tức là có biên chế, có đất, có kinh phí riêng, có con dấu và có thủ trưởng, cấp phó, thư ký, lái xe, bảo vệ… Việc sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối, tinh giản biên chế sẽ tiết kiệm nguồn lực vô cùng lớn. Các đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ điều kiện được chuyển sang cổ phần hóa (trừ các bệnh viên, trường học), hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ giảm được 100% số biên chế trong diện hưởng lương từ ngân sách.
“Cần nhấn mạnh là cải cách, tinh giản biên chế là giảm số lượng người hưởng lương nhà nước chứ không phải giảm số lượng lao động. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ toàn bộ về tài chính và chuyển sang hoạt động theo công ty cổ phần còn tạo điều kiện thu hút thêm lao động ngoài xã hội”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.
Các địa phương hiện cũng đang sắp xếp mạnh mẽ các đơn vị tổ dân phố, đơn vị cấp thôn, bản và sắp tới là sắp xếp, sáp nhập xã, phường, quận, huyện chưa đủ chuẩn về quy mô diện tích và dân số theo quy định của Trung ương. Điều này sẽ tạo tiền đề cho việc tinh giản mạnh biên chế với tiến độ khả quan.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, sau một năm thực hiện Nghị quyết 18 và 19, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được 11.000 tỷ đồng từ tinh giản bộ máy và sắp xếp, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng sẽ góp phần tạo ra nguồn lực không nhỏ cho cải cách tiền lương từ năm 2021 trở đi.
Tạo nguồn cải cách tiền lương
Song song với công việc trên, một vấn đề khác đặt ra là nguồn lực để cải cách tiền lương. Vấn đề này đã được Chính phủ tính toán đến, bằng việc hàng năm dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương và khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương.

“Cộng với khoản tiết kiệm được từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chúng ta sẽ có một nguồn lực đủ đến năm 2021 điều chỉnh lương theo phương án cải cách chính sách tiền lương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.
Giải pháp quan trọng khác được Chính phủ thực hiện, đó là trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh, muốn vậy cần xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương có quy định năm 2019 phải thực hiện xong việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, đồng thời triển khai xây dựng các hệ thống thang bảng lương, phương án chuyển lương cũ sang lương mới để có thể cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.
Trong khu vực công, Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp công, tương thích với tiền lương trên thị trường lao động.

Các địa phương đã tự cân đối được ngân sách, được chi thu nhập tăng thêm cho người lao động tương tự như cơ chế Quốc hội đã cho phép áp dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng Quỹ tiền lương và kinh phí thường xuyên được giao hàng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và quyết định mức chi trả tương xứng với tài năng, nhiệm vụ được giao.
Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống gia đình, đó là kỳ vọng của người hưởng lương và cũng là mong muốn của những người xây dựng chính sách. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, từ năm 2021, tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức phải bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp, tiến tới cao hơn khu vực doanh nghiệp như kinh nghiệm và thông lệ quốc tế./.

>>> Người lao động được hưởng bao nhiêu tiền lương làm thêm giờ dịp lễ, tết?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục