Tạo đột phá trong phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long

21:12' - 18/06/2019
BNEWS Phát triển theo 3 vùng sinh thái, đồng thời tăng cường liên kết vùng là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là nội dung chính được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu do Chính phủ tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 18/6.

Phát triển bền vững theo 3 vùng sinh thái

 Diễn đàn chuyên đề “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long”. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với các chương trình có tính động lực thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, về nông nghiệp, cần cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển nông nghiệp bền vững theo 3 vùng dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai và nhu cầu của thị trường gồm vùng thượng, vùng giữa và vùng ven. Trong đó, vùng thượng phát triển nông nghiệp đa dạng có tính đến thích ứng với cực đoan và vùng trọng điểm sản xuất lúa, cá tra và điều tiết, kiểm soát lũ cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng giữa phát triển lúa gạo tập trung, nông nghiệp miệt vườn, hình thành trung tâm trái cây của cả nước kết hợp nuôi trồng thủy sản nước ngọt, rau màu, cây công nghiệp, đồng thời đóng vai trò điều tiết nước cho vùng ven.

Trong khi đó, vùng ven biển phát triển nông nghiệp dựa vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thủy sản kết hợp sản xuất lúa gạo đặc sản, cây trồng sử dụng ít nước và chịu mặn, phát triển hệ thống rừng tận dụng nông lâm theo hướng sinh thái hữu cơ kết hợp với du lịch.

Để thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển Đồng bằng sông Cửu Long theo 3 vùng sinh thái, ông Trần Hồng Hà kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp trọng tâm như khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách được giao tại Nghị quyết số 120 và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120, đặc biệt là cơ chế chính sách huy động nguồn lực, đẩy mạnh triển khai hình thức đối tác công tư cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện cơ chế điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành lập Ủy ban điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài, giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ để phát huy vai trò của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là kết nối hạ tầng, giao thông, phát triển hệ thống logistic, hình thành chuỗi giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đóng góp ý kiến đối với phát triển nông nghiệp bền vững theo 3 vùng sinh thái, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120, các địa phương có thể giảm diện tích lúa để lựa chọn cây trồng có giá trị cao hơn hoặc chuyển sang nuôi thủy sản có giá trị kinh tế.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí vùng trồng lúa nào cần được thay thế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, từ đó, Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cùng nhau tổ chức sản xuất lại tại vùng có có quy hoạch mới.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, người nông dân cũng cần có sự đổi mới, thay đổi tư suy sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để nông dân trong các vùng quy hoạch nông nghiệp sản xuất những cây, con cụ thể, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ.

Tăng cường tính liên kết vùng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn chuyên đề “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long”. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Đối với giải pháp thực hiện tính liên vùng trong thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những giải pháp phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu liên ngành về Đồng bằng sông Cửu Long nhằm cung cấp thông tin một cách đồng bộ, hệ thống phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quyết định đầu tư, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Đồng thời sớm hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long để chia sẻ, khai thác, sử dụng phục vụ phát triển vùng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích: Cần cơ cấu lại nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, cần vạch ra định hướng các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực; trong đó đối với sự phát triển ngành lúa gạo, không cứng nhắc duy trì sản xuất lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, tập trung tăng các nhóm giống lúa xác nhận, chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn mặn, cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp. Đối với vùng trái cây, có thể phát triển theo nhu cầu thị trường, hướng tới thị trường trong và ngoài nước giá trị cao với 10 loại trái cây chủ lực như xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm...

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất: Cần rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng và tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tích hợp đa ngành, gắn kết chặt chẽ phát triển nông nghiệp và phát triển chung về kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn, giao thông, đô thị, dân cư và các lĩnh vực liên quan.

Để tăng cường liên kết vùng, cần thành lập ban điều phối phát triển nông nghiệp từng tiểu vùng, trực thuộc hoặc liên kết chặt với Hội đồng vùng; thử nghiệm trước một số mô hình liên kết trong mỗi tiểu vùng và toàn vùng, trước mắt tập trung vào quản lý nguồn nước, phát triển liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, phát triển thị trường và thu hút đầu tư nông nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin điều hành vùng.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, cần tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tổng thể vùng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, góp phần làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đối với đường bộ, từng bước xây dựng hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang trong vùng để kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trung tâm đô thị trong vùng, kết nối các cảng biển, khu kinh tế đến các cửa khẩu như tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, tuyến Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc, tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, tuyến Đức Hòa – Mỹ An  - Vàm Cống, sớm hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh để kết nối Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về đường thủy nội địa, thực hiện cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến Tp. Hồ Chí Minh đi Kiên Lương, Tp. Hồ Chí Minh đi Cà Mau. Bên cạnh đó, tập trung cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, giảm tắc nghẽn trên các tuyến đường thủy chính, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến thị trường tiêu dùng.

Từ năm 2015 tới nay, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã huy động khoảng 1,6 tỷ USD cho các hoạt động tại Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn đều gắn với Nghị quyết số 120. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã sử dụng khoản tài chính này cho các chương trình thí điểm sáng tạo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng cho người dân ở nông thôn và thành phố tại các tỉnh và trên toàn vùng.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, để triển khai Nghị quyết số 120, Việt Nam cần chuyên nghiệp hóa và tập trung nâng cao giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp và thủy sản.

Ngành công nghiệp dựa trên nông nghiệp phải tập trung vào các hoạt động bỏ chi phí ít hơn nhưng tạo ra giá trị lớn hơn. Con đường duy nhất phía trước là phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu, thích nghi với bối cảnh môi trường địa phương, nguồn lực tự nhiên và lợi thế so sánh của tiểu vùng.

Bên cạnh đó, theo ông Ousmane Dione cần cải thiện tính kết nối cũng là điều kiện bắt buộc để xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với khí hậu, phát triển bền vững. Để tăng cường tính kết nối, cần có các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng thích ứng với khí hậu và giao thông đa phương thức phù hợp trong khu vực, bao gồm cả đường thủy nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục