Tạo đột phá cho các khu kinh tế trọng điểm - Bài học từ Thái Lan

20:47' - 12/06/2018
BNEWS Việt Nam cần đưa ra một mô hình liên kết sáng tạo và bền vững để vùng kinh tế trọng điểm thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh và Thái Lan được xem là mô hình có thể học hỏi.
khu công nghiệp Rayong Thái Lan. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Hiện nay, trong phần lớn các khu kinh tế, khu công nghiệp ở Việt Nam đều là các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nhiên liệu, năng lượng, hàm lượng công nghệ cao thấp khiến cho chất lượng và tốc độ phát triển vẫn dừng ở mức hạn chế.

Hơn nữa, việc thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan trên tất cả lĩnh vực tại các địa phương đã làm giảm lợi thế lẫn nhau và lệch lạc hướng đi trong khai thác tiềm năng sẵn có.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần đưa ra một mô hình liên kết sáng tạo và bền vững để vùng kinh tế trọng điểm thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh và Thái Lan được xem là mô hình có thể học hỏi.

Động lực 4.0

Nếu như Mỹ có khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), hay Trung Quốc có chiến lược “Made in China 2025” nhằm nâng tỷ lệ nội địa hoá của các sản phẩm chủ chốt lên 70% vào năm 2025 thì người Thái Lan cũng đang quyết tâm với “Thái Lan 4.0”.

Với mục tiêu này, Thái Lan đã đưa ra 3 chiến lược chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gồm các dự án khổng lồ để cải thiện hạ tầng như tàu điện, tàu 2 đường ray, sân bay; thứ hai là hành lang kinh tế phía Đông (EEC) nhằm tạo ra hệ thống giao thông, hậu cần liên lạc liên kết các tuyến đường huyết mạch và chiến lược cuối cùng chính là kỹ thuật số.

Cùng với đó, Thái Lan dự định đầu tư mạnh vào internet băng rộng ở cấp độ làng xã. Hệ thống cáp ngầm nối liền Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc Đại lục cũng sẽ biến Thái Lan trở thành một cánh cổng thông tin (trên thế giới mạng) cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chiến lược Thái Lan 4.0 ra đời với mục tiêu đưa đất nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng bền vững và giảm chênh lệch thu nhập. Chính phủ nước này đã thành lập một Học viện Internet of Things (IoT) (Vạn vật kết nối Internet) và trung tâm phân tích dữ liệu lớn (big data) cấp Chính phủ tại hành lang kinh tế phía Đông.

Hòa mình cùng dòng chảy công nghiệp ấy, với vai trò là một khu vực chiến lược để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tỉnh Rayong (Thái Lan) không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy tại đây mà còn hướng tới phát triển công nghiệp xanh kết hợp với du lịch. Đây sẽ là một trong những mô hình đô thị thông minh của Thái Lan trong tương lai.

Nằm trong khu công nghiệp của tỉnh này, Kawasaki -hãng xe môtô của Nhật Bản- có nhà máy sản xuất hầu hết các mẫu xe của Kawasaki, kể cả dòng xe 600cm3. Chỉ riêng năm 2017, hãng xe này đã sản xuất 131.803 xe để xuất khẩu sang châu Âu, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Phillipines....

Ông Krisana Pakeephat –Trưởng bộ phận bán hàng và tiếp thị hãng Kawasaki Thái Lan- cho biết, Kawasaki đã có mặt tại Thái Lan cách đây khá lâu bởi đây là thị trường lớn về xe phân khối lớn, xe thể thao. Kawasaki phát triển nhà máy tại Rayong vì tỉnh này là khu công nghiệp tiềm năng để có thể phát triển thị trường xe máy và xuất khẩu đi nước ngoài.

Rayong cùng với 2 tỉnh Chachoengsao và Choburi được thiết lập là khu vực kinh tế đặc biệt nằm trong hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan.

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ 20, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư vào Rayong, tập trung khuyến khích các công ty công nghệ cao.

Theo đó, những doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hoạt động tại đây được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến 15 năm trong khi đó con số này tại nhiều khu vực khác là 8 năm. Không chỉ vậy nhiều chính sách ưu đãi dành cho các quản lý, điều hành nước ngoài cũng được tạo ra tại khu vực này.

Chính phủ Thái Lan có nhiều ưu đãi thuế thu nhập cho lao động nước ngoài và được bảo vệ phúc lợi xã hội giống như lao động của Thái Lan, đồng thời cung cấp visa làm việc thời hạn dài hơn cho lao động có trình độ.

Chia sẻ thêm về tiềm năng của khu công nghiệp này, ông Kornphattawee Muangnoy –Giám đốc khu công nghiệp tỉnh Rayong, Thái Lan cho hay, tại tỉnh Rayong có 5 nhà máy sản xuất ô tô, 1 nhà máy xe máy và hơn 100 nhà máy hóa dầu.

Tuy nhiên có một thực tế là các khu công nghiệp ngoại vi thường là những vùng kinh tế bất ổn vì các nhà đầu tư nước ngoài thường đến hoặc đi rất nhanh tùy thuộc vào thời điểm và điều kiện. Nhưng ở Rayong lại hiếm khi xảy ra vấn đề này vì những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn gắn bó lâu dài.

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Kornphattawee Muangnoy nhấn mạnh bên cạnh những ưu đãi về thuế, phí, visa, tỉnh đã tăng cường các quy chuẩn về môi trường cho các nhà máy, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng để khu vực công nghiệp và dân cư có thể cùng tồn tại một cách bền vững.

Ông Charoenchai Prathuangsuksri –Trưởng phòng đầu tư, Văn phòng Hành lang kinh tế phía Đông Thái Lan- khẳng định, Thái Lan đang có dự án xây dựng đặc khu kinh tế kết hợp nhà máy với cộng đồng để bảo vệ môi trường và Rayong là một mô hình tiêu biểu về ngành công nghiệp xanh.

Trong tương lai, Rayong sẽ được phát triển thành thành phố thông minh với nền sản xuất công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường.

Với nhiều chính sách thu hút đầu tư lâu dài, kết hợp với việc nghiên cứu tính khả thi để xây dựng công viên thông minh tại các khu công nghiệp, Thái Lan đang nỗ lực hướng đến một đô thị thông minh ngay tại khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước này.

Khu công nghiệp Rayong Thái Lan. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tạo bước đột phá

Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP cao, đời sống người dân được cải thiện. Từ một quốc gia kém phát triển, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về nỗ lực phát triển.

Đáng lưu ý, năm 2017 cũng ghi nhận thành công của Việt Nam trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức, thể hiện qua GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) chưa được như kỳ vọng.

Cùng đó, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế… cũng tạo ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Chính vì vậy, một trong những giải pháp là phát triển năng động các khu công nghiệp với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tìm ra hướng phát triển đột phá, cùng những chiến lược cụ thể.

Đặc biệt, khu công nghiệp phải được phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ cao và các sản phẩm của công nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu mà Rayong, Thái Lan, là một mô hình rất đáng để tham khảo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục