Tạo cầu nối cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam

19:43' - 12/12/2017
BNEWS Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đến Việt Nam qua Văn phòng JETRO để tìm hiểu thông tin liên quan đến thực trạng công nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam.
Quanh cảnh Hội nghị phát triển công nghiệp thực phẩm Việt Nam. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

“Chúng tôi sẽ cố gắng tạo dựng những cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản gặp trực tiếp các doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam. Qua đó, hai bên có thể trao đổi thông tin tiếp tục tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam”.

Đây là khẳng định của ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội trong Hội nghị phát triển công nghiệp thực phẩm Việt Nam, diễn ra ngày 12/12 do Văn phòng JETRO tại Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.
Tuy nhiên, theo ông Kitagawa Hironobu, thông tin ngành công nghiệp thực phẩm cũng như thông tin khái quát về ngành công nghiệp của Việt Nam chưa được cập nhật.

Đây chính là một trong những nhiệm vụ của JETRO trong thời gian tới sẽ tích cực nắm bắt thông tin để cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tận dụng những thông tin đó để triển khai trong tương lai.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đến Việt Nam qua Văn phòng JETRO để tìm hiểu thông tin liên quan đến thực trạng công nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam.
Ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, những năm gần đây ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, ngành thực phẩm Việt Nam nói riêng đã phát triển mạnh mẽ.

Ngành công nghiệp thực phẩm đã cung ứng nhiều sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân, đáp ứng nhu cầu trong nước, từng bước thay thế hàng hóa nhập khẩu và tham gia xuất khẩu với sự đa dạng về mẫu mã và chủng loại.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trong ngành chủ động đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu.

Điển hình phải kể tới như Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) có hệ thống 10 trang trại chăn nuôi, quy mô lớn, trải dài khắp Việt Nam với tổng đàn bò sữa lên tới 22.000 con.
Ông Saka Hrumi, đại diện Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản cho biết, để liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam- Nhật Bản cần có những buổi đối thoại hợp tác.

Hiện Việt Nam – Nhật Bản đã tổ chức 3 lần đối thoại kể từ năm 2014 đến nay.

Các buổi đối thoại này, nhằm mục đích xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân tại Việt Nam.

Số lượng các doanh nghiệp tham gia đối thoại ngày càng tăng lên theo số lần tổ chức.

Cụ thể, lần 1 có 11 doanh nghiệp, lần hai có 25 doanh nghiệp, lần 3 có 51 doanh nghiệp.

Dự định hàng năm sẽ tổ chức đối thoại hợp tác nông nghiệp là một trong những hoạt động thực hiện tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam- Nhật Bản.
Từ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại Nhật Bản, đại diện doanh nghiệp Nhật cho rằng, chính quyền cần hỗ trợ chính sách cũng như vốn và kỹ thuật cho doanh nghiệp để thiết lập hệ thống xử lý nước thải nhằm phòng chống ô nhiễm đất.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề lưu thông hàng hóa, tham gia chuỗi phân phối, cập nhật và phân tích các số liệu thị trường…
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ các mô hình kinh doanh. Cụ thể, ông Kiuchi Hizokazu, Phó Chủ tịch thường trực Công ty Wagoen Group chia sẻ mô hình kinh doanh về công nghệ trồng rau kiểu Nhật tại Thái Lan để sản xuất cung cấp rau tại thị trường nội địa Thái Lan và xuất khẩu sang Nhật Bản, ASEAN.

Tập đoàn này cũng đang hướng tới mở rộng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục