Tăng trưởng kinh tế 2019 liệu có vượt kế hoạch?

12:13' - 13/07/2019
BNEWS Mặc dù còn nhiều thách thức từ bên ngoài cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế, nhưng tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đặt ra.
TS Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 Đó là chia sẻ của TS Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế -xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

BNEWS/TTXVN: Bà có thể đánh giá tổng quan kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 và một số "điểm nghẽn" tăng trưởng cần tháo gỡ hiện nay?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, đáng chú ý là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,76%. Tuy thấp hơn cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến 2017. Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 tăng 8,93% (thấp so với mức 9,07% năm 2018), tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn kinh tế khi đóng góp 51,8% vào tốc độ tăng trưởng GDP chung (so với mức đóng góp 48,9% của cùng kỳ năm 2018 và so với mức đóng góp 6% và 42,2% tương ứng của khu vực nông lâm thuỷ sản và khu vực dịch vụ năm 2019). Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm bớt phụ thuộc vào một số nhóm mặt hàng (điện tử, điện thoại). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá 2,39% (thấp hơn mức 3,93% cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn mức tương ứng 2,36% và -0,18% của năm 2015-2016); Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 6,69%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017-2018 (tương ứng 6,89 và 6,9%) nhưng cao hơn so với cùng kỳ các năm từ 2012 đến 2016, nhờ đóng góp đáng kể của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh đó, chúng ta đã tận dụng khá tốt các cơ hội từ xung đột thương mại Mỹ - Trung để thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng có lợi thế. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh ở nhiều mặt hàng: máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại; gỗ, các sản phẩm từ gỗ; sản phẩm từ sắt thép; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác).

Ổn định vĩ mô được duy trì: lạm phát trong tầm kiểm soát, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây; lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng 14% trong năm 2019; cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo. 
Tuy nhiên, đằng sau những kết quả đạt được là nhiều khó khăn, thách thức và nhiều điểm nghẽn chưa tháo gỡ, như:

- Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường. 

- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018), do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. 

- Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm. 

- Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục). 

- Dư địa chính sách tài chính và tiền tệ hạn hẹp trước sức ép lạm phát và tỷ giá. 
BNEWS/TTXVN: Từ những tháng đầu năm, giá điện, giá xăng dầu tăng cùng với đó là tăng lương từ ngày 1/7/2019, theo bà, việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu trên có gây áp lực lạm phát cho cả năm 2019?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu cùng với việc tăng lương cơ bản vào ngày 1/7/2019 đều có nguy cơ gây áp lực đến chỉ số giá. Trong quá khứ, việc tăng giá lương, điện, xăng dầu nhiều không những có tác động trực tiếp làm tăng giá mà còn đẩy giá cả các loại hàng hoá khác trên thị trường lên một mặt giá mới, gây tâm lý cho người tiêu dùng, nguy cơ mất ổn định vĩ mô. 

Tuy vậy, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm khoảng 2,64% (mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây), việc chính phủ kiên định với chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt theo hướng thắt chặt, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu cũng có thể gây áp lực tăng giá, nhưng khả năng tăng sẽ không nhiều. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo lạm phát năm 2019 nhiều khả năng vẫn tiếp tục được kiểm soát tốt, mức trung bình 3,13%.  
BNEWS/TTXVN: Nhiều ý kiến cho rằng giải ngân vốn đầu tư công chậm là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng chậm từ đầu năm. Bà bình luận gì về điều này?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm còn rất thấp, mới đạt 23,25% kế hoạch Quốc hội giao và 26,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là do còn chậm trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; do ảnh hưởng của địa hình phức tạp, thời tiết; năng lực của một số nhà thầu còn chưa đảm bảo; các dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân thanh toán vốn. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành trung ương và địa phương, một số chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch. Chậm hoàn thiện trong công tác hoàn thành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công…

Ngày 12/6/2019, tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 khoá XIV, Luật Đầu tư công sửa đổi đã được thông qua kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt của quá trình thực hiện vốn đầu tư công. Những thay đổi quan trọng của Luật đầu tư công sửa đổi hy vọng sẽ làm thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư).

Đồng thời, sự thay đổi này giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo.
BNEWS/TTXVN: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ đầu năm và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết đã tạo niềm tin có sự gia tăng mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng 6 tháng đầu năm lại giảm so với năm trước, bà có thể giải thích điều này?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 không cao như cùng kỳ năm trước có nhiều lý do, chủ yếu là do khó khăn từ một số ngành. Ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018), do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Những khó khăn này, cộng với xu hướng giảm tốc của tăng trưởng toàn thế giới làm tăng trưởng sáu tháng đầu năm 2019 của Việt Nam khó đạt được mức cao, đặc biệt so trên nền mức tăng trưởng ở mức kỷ lục của 6 tháng đầu năm 2018. 

Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ đầu năm và EVFTA vừa được ký kết đã tạo niềm tin sẽ mang đến kỳ vọng vào sự gia tăng mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA dự kiến được phê chuẩn nội bộ các bên và chính thức có hiệu lực phải vào cuối năm 2019, các Hiệp định này cũng cần thời gian và độ trễ nhất địnhđể đi vào cuộc sống và tác động đến các số liệu vĩ mônhư tốc độ tăng trưởng GDP. 
BNEWS/TTXVN: Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia về triển vọng kinh tế năm 2019? Theo bà, để đạt muc tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đặt ra cho tăng trưởng kinh tế từ 6,6 – 6,8% cho cả năm 2019 cần thực hiện những giải pháp gì? Và những chính sách gì cần lưu tâm?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Kinh tế thế giới năm 2019 mặc dù tăng trưởng chậm lại và dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, nhưng dự kiến vẫn đạt mức khá (3,44% trong năm 2019) , do kỳ vọng vào tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, cũng như sự ổn định của giá cả hàng hóa thế giới, qua đó tác động tích cực đến Việt Nam. Một số yếu tố có thể tác động cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, như: việc phá giá đồng NDT của Trung quốc, đối tác thương mại lớn của Việt Nam; diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; hay sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ.

Trong nước, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách cải thiện môi trường đầu tư, cũng như tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế (nhất là trong điều kiện Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA dự kiến được phê chuẩn nội bộ các bên và chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2019) sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019. 

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 (6,6-6,8%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 dự kiến tăng 3,13% (so với Kế hoạch khoảng 4%). Các chỉ tiêu về tỷ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ(chi tiết xem trong bảng dưới):

Để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ đóng vai trò quan trọng trong quản lý điều hành kinh tế. Cần tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp đã được đề cập tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2019, tập trung một số lĩnh vực như sau:

(1) Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

(2) Tăng cường các biện pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

(3) Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA (đặc biệt đối với các mặt hàng có xu hướng tăng trưởng tốt như dệt may, da giày, đồ gỗ); tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.

(4) Kiểm soát lạm phát trên cơ sở theo dõi sát diễn biến giá dầu thế giới và tính toán lộ trình, phạm vi tiếp tục điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý (như giá dịch vụ y tế, giáo dục); tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm.

(5) Thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng hơn trong bối cảnh chính sách tiền tệ đã tương đối mở rộng trong những năm qua (tỷ lệ M2 và tín dụng/GDP hiện ở mức cao), không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng, ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng giá và lãi suất. Phấn đấu giảm lãi suất ở phân khúc một số lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa); giám sát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng cho bất động sản, chứng khoán./.

      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục