Tăng sức cạnh tranh cho nông sản

07:25' - 08/02/2019
BNEWS Tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi.
Việc sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ không tập trung thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp. Đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
Tại Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, vài năm trở lại đây, việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như: mướp hương, quả su su, ngọn su su, rau đay, rau cải... Sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy mô lớn đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, ổn định đầu tư đầu vào và đầu ra cho sản phẩm.
Chị Kiều Thị Huệ, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc chia sẻ, từ trước đến nay, việc sản xuất nông nghiệp của bà con với quy mô nhỏ lẻ không tập trung thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Các sản phẩm chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận nằm ở một bộ phận tiểu thương, còn người nông dân không có lãi. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không thiết tha với nông nghiệp và ngại đầu tư cho nông nghiệp.
Nhằm khắc phục tình trạng trên để tìm ra hướng đi mới cho nông dân, từ cuối năm 2014, hợp tác xã thành lập và hợp tác xã trở thành nhà cung cấp thực phẩm cho một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Harumidori Việt Nam, Công ty TNHH nông sản sạch Hương Anh (Hà Nội), Doanh nghiệp Quế Bình (thành phố Phúc Yên). Ngoài ra, sản phẩm của hợp tác xã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Vinmart; được in logo, nhãn mác, bao bì, đăng ký mã vạch, mã số.
Chị Kiều Thị Huệ cho biết thêm, khi tham gia vào hợp tác xã, bà con xã viên nơi đây phải thay đổi thói quen canh tác cũ, không được sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, hoá chất như trước kia nữa.

Quá trình trồng và chăm sóc đều theo quy trình, hướng dẫn kỹ thuật mà hợp tác xã yêu cầu; đã không còn tình trạng tự ý sản xuất, mạnh ai nấy làm, muốn bán cho ai thì bán, không còn tình trạng phải để riêng luống rau cho gia đình ăn như trước kia nữa…
Bên cạnh đó, khi tham gia vào sản xuất rau an toàn, còn được hợp tác xã hỗ trợ phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật, quan trọng hơn là toàn bộ sản phẩm khi làm ra đều được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc với giá thành cao hơn giá thị trường từ 1000 - 1.500 đồng/kg.
Liên kết sản xuất bền vững
Việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất truyền thống. Tuỳ từng loại sản phẩm, có thể giảm chi phí sản xuất từ 10%-15%/ha và giá trị sản lượng tăng 20%-25%.

Tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Các doanh nghiệp đã có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển hàng hóa nông sản…
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng thâm canh giống mới có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao và các tiêu chuẩn an toàn vào sản xuất để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia đầu tư, liên kết sản xuất.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng 20 chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp thông qua kết nối của các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các huyện, thành, thị.

Một số hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp đưa các sản phẩm rau an toàn vào hệ thống siêu thị như: Vinmart, Alohal, Viet fao vet, Lotte,… với sản lượng từ 10- 15 tấn rau, củ, quả/tháng.

Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa như: su su Tam Đảo, gạo Long Trì, thanh long ruột đỏ Lập Thạch, cá thính Lập Thạch...
Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, như mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà ác lai không sử dụng thức ăn chứa đạm động vật với quy mô 5.000 con trên địa bàn huyện Tam Dương và huyện Tam Đảo; mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bê đực hướng sữa với quy mô 50 con trên địa bàn huyện Lập Thạch,…
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm đến năm 2020 với 34 xã trọng điểm chăn nuôi lợn, 38 xã trọng điểm chăn nuôi gia cầm, 21 xã trọng điểm chăn nuôi bò thịt và 22 xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa. Một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn được hình thành như: lợn thịt ở Lập Thạch, Yên Lạc, gà ở Tam Dương, Tam Đảo, bò sữa ở Vĩnh Tường…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất.

Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Cùng với đó, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm rau an toàn; xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về truy xuất nguồn gốc nông sản; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ, quảng bá sản phẩm rau an toàn ra các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần xây dựng các mối liên kết bền vững, hiệu quả./.

>>> Nông dân kỳ vọng các loại nông sản đặc sản sẽ được giá

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục