Tăng lương tối thiểu vùng: Cần hài hòa các lợi ích

11:29' - 28/08/2015
BNEWS Theo đại diện nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, hiện nay, tiền lương và các khoản phụ cấp mà doanh nghiệp chi trả cho người lao động đang chiếm tới 60% tổng doanh thu.

Trong các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 350.000 đồng đến 550.000 đồng (tương đương 16%), còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất mức tăng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng (hơn 7%).

Tăng lương khiến doanh nghiệp lo nhưng cuộc sống người lao động ổn định hơn. Ảnh: TTXVN

Dù mức tăng cụ thể chưa được Hội đồng Tiền lương quốc gia ấn định, song các doanh nghiệp ở Đồng Nai cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để điều chỉnh lương cho người lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng chậm, mức tăng năng suất lao động thấp, đa số doanh nghiệp ở Đồng Nai xem tăng lương tối thiểu vùng như đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một áp lực, có thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2 - thành phố Biên Hòa) hiện có 28.000 lao động; chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu. Theo dự tính, nếu năm 2016 lương tối thiểu tăng 16%, cùng với đó các chi phí khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nên công ty sẽ phải chi thêm khoảng vài trăm tỷ đồng mỗi năm cho việc trả lương và đóng các loại bảo hiểm.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina cho biết: “Nguyện vọng của công nhân là tăng lương để cải thiện đời sống. Về phía công đoàn, chúng tôi tán thành tăng lương tối thiểu vì đời sống của đại bộ phận lao động đang rất khó khăn.

Nhưng Ban Giám đốc Công ty Taekwang Vina cho rằng, Taekwang Vina sử dụng đông lao động, sản phẩm làm ra là để xuất khẩu. Lương tăng nhưng giá hàng xuất đi không tăng, quỹ lương "phình to", trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp giữ nguyên sẽ gây khó khăn cho sản xuất”.

Không chỉ doanh nghiệp lớn, ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng công nhân ít thì tăng lương quá cao cũng sẽ khó khăn. Trường hợp như Công ty TNHH MTV Thế Linh (thành phố Biên Hòa) hiện đang sử dụng khoảng 80 lao động là một ví dụ.

Những năm qua, doanh nghiệp đều tiến hành tăng lương cho người lao động từ 7% đến 10% theo quy định của Nhà nước. Doanh nghiệp ủng hộ việc tăng lương tối thiểu, tuy nhiên, mức tăng 16% như đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt quá khả năng của doanh nghiệp .

Ông Nguyễn Thế Linh , Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh trăn trở: “Nếu lương tăng 16%, mỗi tháng chúng tôi phải chi thêm khoảng 50 triệu đồng để trả lương và nộp các loại bảo hiểm.

Để có tiền cho những khoản này, công nhân phải nâng cao năng suất lao động, song vài năm qua, năng suất lao động tại công ty không đổi, doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành sản phẩm để lấy tiền trả lương, khi đó hàng hóa sẽ khó cạnh tranh trên thị trường.

Tiềm lực tài chính của Công ty TNHH MTV Thế Linh hạn chế, lợi nhuận hàng tháng không nhiều, quỹ lương phình quá to sẽ gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh”.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, hiện nay, tiền lương và các khoản phụ cấp mà doanh nghiệp chi trả cho người lao động đang chiếm tới 60% tổng doanh thu. Đồng tình, ủng hộ chủ trương tăng lương theo lộ trình để cải thiện cuộc sống cho công nhân lao động, song các doanh nghiệp mong muốn lương tăng lợp lý với tình hình sản xuất, phát triển của doanh nghiệp.

Ông Kevin Lin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ốc vít Lâm Viễn (Khu công nghiệp Hố Nai - huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Công ty Lâm Viễn sản xuất linh kiện xe gắn máy, khách hàng là các hãng xe máy ở Việt Nam. Nhiều năm qua, quy mô sản xuất của công ty không đổi, vì phải cạnh tranh với nhiều nhà sản xuất khác nên Lâm Viễn liên tiếp hạ giá thành sản phẩm, lợi nhuận suy giảm. Tăng lương tối thiểu là điều cần thiết, nhưng chúng tôi mong Nhà nước tính toán làm sao việc tăng lương đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp”.

Thực tế trên cho thấy, tăng lương sẽ khiến doanh nghiệp đội lên nhiều chi phí. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của đại đa số công nhân lao động đang rất khó khăn vì thu nhập thấp, mức lương tối thiểu chưa thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu .

Mới đây, Viện Công nhân Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã tiến hành khảo sát đời sống của người lao động ở Đồng Nai.

Kết quả, thu nhập bình quân của người lao động đang ở mức từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng (gồm cả tiền lương, các khoản phúc lợi, tiền tăng ca...). Mức thu nhập này mới chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu của công nhân lao động. Để có thêm tiền, gần 90% lao động nhập cư ở Đồng Nai phải tăng ca, làm thêm giờ.

Đồng Nai hiện có trên 850.000 công nhân lao động. Nhiều người dù đã làm công nhân hơn 10 năm nhưng do thu nhập thấp nên vẫn phải sống trong những khu nhà trọ.

Anh Trần Văn Hiến (làm việc tại Công ty TNHH Giày Việt Hồng - Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) chia sẻ:

"Là công nhân, tất nhiên chúng tôi mong lương tối thiểu tăng cao, song Nhà nước phải căn cứ vào nhiều yếu tố để có mức tăng hợp lý. Khi lương tăng, dù mỗi tháng chỉ thêm mấy trăm nghìn nhưng đời sống của công nhân sẽ tốt hơn.

Song công nhân rất lo sau khi tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ cắt đi những khoản phụ cấp. Tôi mong cùng việc tăng lương, các cấp, các ngành cần có biện pháp không để doanh nghiệp cắt tiền phụ cấp. Làm được điều này quyền lợi của công nhân mới được bảo đảm".

Cũng có ý kiến cho rằng, song song với tăng lương tối thiểu vùng, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần có biện pháp kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng hàng hóa tăng giá sau khi điều chỉnh lương./.

Công Phong

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục