Tăng kết nối doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu

19:28' - 04/02/2020
BNEWS Ngày 4/2, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hải Dương và Tập đoàn Samsung phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Ngày 4/2, tại thành phố Hải Dương, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước được lựa chọn triển khai chương trình này. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo hội nghị.

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị của tỉnh Hải Dương và Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Hàn Quốc là đối tác chiến lược của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và đầu tư. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành công nghiệp hỗ trợ là động lực chính làm gia tăng giá trị của ngành công nghiệp chế biến chế tạo - động lực dẫn dắt chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm gần đây.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều điểm yếu, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, quy mô, trình độ công nghệ, tư duy sản xuất, liên kết của doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp FDI chưa cao, khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu năm 2020 phấn đấu có 1.000 doanh nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia; đến năm 2030 sẽ có 2.000 doanh nghiệp.

Đồng thời, phấn đấu năm 2030, giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, phát triển mạnh hơn ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ, rà soát, xây dựng định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành chính; Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình, tham mưu Chính phủ lập một quỹ tài chính mở nhằm thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Phó Thủ Tướng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận đổi mới công nghệ; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu có gói tín dụng ưu đãi hơn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tỉnh Hải Dương cần khẩn trương ban hành Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Tập đoàn Samsung tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các tỉnh thành tổ chức tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước về công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Samsung sớm triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp trong nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý các doanh nghiệp cần phải nỗ lực tự nâng cao năng lực của chính mình để có thể tiếp cận được với các chính sách của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thông tin, trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung đã tổ chức các chương trình đào tạo tư vấn viên giúp nâng cao trình độ, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Năm 2020, Bộ sẽ phối hợp với một số địa phương xây dựng chính sách và triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp tại địa phương; trong đó chú trọng công nghiệp hỗ trợ và phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các địa phương cần phải đầu tư nguồn nhân lực nhằm phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, với lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hải Dương có nhiều tiềm năng thuận lợi về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Hải Dương đã quy hoạch 18 khu công nghiệp và đã có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80%.

Tỉnh đã quy hoạch 45 cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Hải Dương hiện có khoảng 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đăng ký 164.000 tỷ đồng.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 454 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư đăng ký 8,4 tỷ USD. Hiện tỉnh đã phát triển 1 số ngành công nghiệp phụ trợ: cơ khí chế tạo, điện- điện tử, dệt may- da giày.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Hải Dương đang cố gắng đưa công nghiệp hỗ trợ phát triển, trở thành mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Tỉnh Hải Dương cam kết luôn đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Ông Choi Joo Hoo, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cam kết sẽ tăng cường hợp tác với chính phủ Việt Nam nhân rộng các hoạt động đào tạo theo các lĩnh vực chuyên sâu hơn, tích cực chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ của tỉnh Hải Dương đạt năng lực sản xuất tiêu chuẩn toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.

Dự kiến từ năm 2020, Samsung sẽ phối hợp với Bộ Công Thương đào tạo 200 chuyên gia lĩnh vực khuôn mẫu, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Đại diện cho trên 50 doanh nghiệp dự hội nghị, ông Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Hải Dương về ứng dụng công nghệ cao, khẳng định sẽ tiếp tục phát huy nội lực và thế mạnh, tích cực tham gia cùng các doanh nghiệp trong nước phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tại hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương và Công ty Samsung Việt Nam về chương trình tư vấn dành cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo biên bản ghi nhớ đã được ký kết, năm 2020, Samsung sẽ lựa chọn ít nhất 15 doanh nghiệp tỉnh Hải Dương lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để triển khai chương trình đào tạo 3 tháng với các hoạt động tư vấn cải tiến năng lực cạnh tranh.

Hoạt động tư vấn cải tiến sẽ giúp mang lại những hiệu quả cụ thể như tăng năng suất, cải tiến chất lượng, giảm tồn kho cho các doanh nghiệp, đào tạo tư duy đổi mới cho các doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục