Tăng cường năng lực ngành tài chính trong cách mạng công nghiệp 4.0

14:45' - 11/05/2018
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thực hiện thông qua các lĩnh vực như: phát triển giao dịch trực tuyến thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước; hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis)...

Tại hội thảo “Tăng cường năng lực của ngành tài chính trong tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra ngày 11/5 tại Phú Thọ, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) chia sẻ, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có nhiều tác động đến lĩnh vực tài chính.

TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phát biểu. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo đó, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thực hiện thông qua các lĩnh vực như: phát triển giao dịch trực tuyến thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước; hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis); thủ tục hành chính thuế, hải quan, chứng khoán.
Thu ngân sách Nhà nước có thể được tăng cường trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế được cải thiện, năng suất lao động được nâng cao và những hoạt động kinh tế mới phát sinh thuộc và liên quan tới lĩnh vực công nghệ số; trong khi chi ngân sách Nhà nước ở một số nội dung như (chi bảo vệ môi trường, chi cho bộ máy hành chính Nhà nước,…) có thể giảm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng gây ra không ít thách thức trong việc xây dựng hệ thống thể chế chính sách tài chính – ngân sách Nhà nước phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, theo hướng công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, hệ thống chính sách thuế và thu ngân sách Nhà nước phải được điều chỉnh đảm bảo vừa thực hiện tốt các cam kết hội nhập về thuế xuất nhập khẩu theo xu hướng hiện nay. Điều này vừa bao quát các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong bối cảnh áp dụng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh.

Đồng thời, vừa phải đảm bảo góp phần huy động có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có thể gây sức ép tăng chi, đặc biệt là chi cho phát triển khoa học công nghiệp, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chi cho cơ sở hạ tầng...
“Việc sử dụng công nghệ số có thể tác động ngắn hạn làm tăng tỷ lệ thất nghiệp do lao động sẽ di chuyển từ các ngành truyền thống sang các ngành mới. Nhưng, yêu cầu về chất lượng lao động, phát triển nguồn nhân lực sẽ cao hơn đòi hỏi nguồn lực cho đào tạo lao động. Đồng thời, chi cho đảm bảo an sinh xã hội sẽ tăng lên để giải quyết các vấn đề về thất nghiệp và bất bình đẳng. ", bà Nguyễn Thị Hải Bình nói.
Trong những năm qua, nhiều chính sách, giải pháp cũng đã được Bộ Tài chính thực hiện nhằm thích nghi, tận dụng lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là, tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp, mở rộng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các ngân hàng thương mại...

Toàn cảnh hội thảo “Tăng cường năng lực của ngành tài chính trong tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, ngành tài chính sẽ, xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số. Trong đó, xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và chiến lược của từng lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, nợ công, tài sản công, chứng khoán, dự trữ quốc gia, giá, bảo hiểm, kế toán – kiểm toán,... phù hợp định hướng phát triển kinh tế số.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng, phát triển tài chính điện tử, hình thành hệ sinh thái tài chính số. Ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành thông qua việc hình thành các hợp tác chiến lược, các đề án, dự án đầu tư; chú trọng đề xuất về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật.
Bên cạnh đó, thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp ngành Tài chính tích hợp sâu, rộng và xuyên suốt giữa các Cổng giao tiếp trong ngành, liên thông với Chính phủ và các cơ quan nhà nước theo hướng dữ liệu mở sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo, tương tác và trả lời tự động để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, ngành tài chính cũng sẽ tăng cường xây dựng, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ dữ liệu theo nhu cầu cá nhân hóa qua nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt là qua các thiết bị di động, công nghệ đám mây. Xây dựng các văn phòng điện tử, hình thành môi trường làm việc tích hợp, liên thông, cộng tác và chia sẻ thông tin thông minh trong toàn ngành hướng tới văn phòng điện tử không giấy tờ, triển khai công việc mọi lúc, mọi nơi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục