Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng

13:02' - 21/09/2017
BNEWS Sáng 21/9, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và UNDP phối hợp tổ chức hội thảo "Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng".
Bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng),và các đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng nhấn mạnh, tham nhũng là thách thức toàn cầu, không phân biệt chế độ chính trị, khu vực địa lý hay truyền thống văn hóa.

Tham nhũng gây hại cho hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực xã hội, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước.

Vì vậy thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khắc phục hậu quả, trả lại những thiệt hại mà tham nhũng gây ra. “Phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả sẽ tác động mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ của tham nhũng, là một trong những thước đo hiệu quả phòng, chống tham nhũng”, Phó trưởng Ban Võ Văn Dũng nói.
Nhấn mạnh thu hồi tài sản tham nhũng đang trở thành vấn đề trọng tâm trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện thể chế và triển khai nhiều hoạt động, giải pháp liên quan cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, tuy vậy, Phó trưởng Ban Võ Văn Dũng cho biết, phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được còn rất thấp.

“Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng chưa tốt nói lên công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua hiệu quả chưa cao”, Phó trưởng Ban cho biết và đánh giá thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề khó không chỉ với một nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả với những nước phát triển, có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng.
Bà Caitlin Wiesen - Antin, Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho biết UNDP đã hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng nhiều năm qua. UNDP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam như Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ; hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách, đặc biệt việc thực hiện công ước về phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc.

Hội thảo "Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng" cũng là một trong những chương trình hỗ trợ liên tục của UNDP đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng, bao gồm những nỗ lực về cải cách pháp luật.
Theo bà Caitlin Wiesen - Antin, qua các báo cáo cho thấy việc thu hồi tài sản tham nhũng được xác định là một trong những việc khó khăn nhất trong việc phòng, chống tham nhũng do những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng. Đây là một trong những cản trở chính của việc thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam.
PGS. TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đánh giá các vụ án tham nhũng được phát hiện, xứ lý quá ít. Chỉ đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng đã được xử lý trong năm 2016, việc thu hồi tài sản mới đạt 38,3%.

Xem xét thực trạng pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, ông Trần Văn Độ cho rằng đây chính là cơ chế pháp lý quan trọng cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, cho hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ hống pháp luật liên quan đến vấn đề này còn những bất cập nhất định. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự còn thiếu những tội phạm mà trong đó tham nhũng "ẩn nấp" như tội làm giàu bất chính hay tội nhận quà biếu có giá trị lớn.

Pháp luật quy định tài sản bị tịch thu gồm tài sản tham nhũng và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng đã gây ra khó khăn trong thực tiễn khi phải chứng minh nguồn gốc của tài sản tham nhũng.

Ngoài ra, hình phạt tiền, tịch thu tài sản đối với tội phạm tham nhũng chỉ mang tính tùy nghi mà không bắt buộc nên thực tiễn ít được áp dụng.

Bộ luật Tố tụng hình sự còn thiếu những giải pháp cho phép truy tìm tài sản tham nhũng, nhất là tài sản ở người thứ ba; không coi tài sản do phạm tội mà có, thiệt hại (trực tiếp và gián tiếp) là đối tượng bắt buộc chứng minh để làm căn cứ cho việc thu hồi tài sản, áp dụng các biện pháp tư pháp hiệu quả.

Ông Độ cho rằng việc giao phó cho cơ quan thanh tra, kiểm toán xử lý tham nhũng đến cùng mà không kịp thời giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để áp dụng các biện pháp tố tụng trong truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản tham nhũng đã làm mất đi cơ hội để thu hồi hiệu quả tài sản tham nhũng.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng là điểm lúng túng nhất trong phòng, chống tham nhũng do các thiết chế trong luật không hoàn chỉnh. “Chúng ta quá kỳ vọng vào sự tự giác của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản, nộp lại quà tặng, minh bạch liêm chính mà quên mất cần có cơ chế kiểm soát những thiết chế này.

Chỉ khi có cơ chế kiểm soát thì người ta mới không muốn, không dám, không thể tham nhũng”, ông Quyền nêu quan điểm. Theo ông Quyền, việc đầu tiên là phải kiểm soát được tài sản, muốn kiểm soát được, phải có nhiều thiết chế cho việc này.

Kiểm soát tài sản là biện pháp căn cơ nhất nhưng trong khi chưa thực hiện được thì theo Công ước, các quốc gia có thể quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp là hành vi tội phạm, ông Quyền đề nghị.
Đề nghị thu hồi tài sản phải bằng con đường tố tụng, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nêu phải bổ sung tội danh liên quan đến tài sản bất minh trong tố tụng hình sự, trên cơ sở đó khởi tố người bất minh về tài sản khi không chứng minh được nguồn gốc là tịch thu toàn bộ tài sản.
Để hoàn thiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trần Văn Độ nêu cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, trong đó cần có thiết chế quy định cho phép theo dõi biến động của tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, trước hết là người có chức vụ, quyền hạn.

Hiện pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xử lý tài sản không minh bạch đã góp phần làm cho biện pháp minh bạch về tài sản nói chung và việc xác định về tài sản nói riêng trở nên hình thức, kém hiệu quả. Do vậy cần thiết bổ sung các quy định liên quan đến việc quản lý, xử lý tài sản không minh bạch - ông Độ đề xuất.
Nghiên cứu "Cơ chế thu hồi tài sản bị đánh cắp: Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam"; Báo cáo chuyên đề "Công tác phòng, chống rửa tiền trong mối quan hệ với đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản"... được bàn thảo tại hội nghị đã góp thêm những kinh nghiệm từ thực tiễn trong việc tăng cường cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, góp phần hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng của nước ta./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục