Tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ thông tin trong tổng điều tra dân số

17:38' - 02/04/2019
BNEWS Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có những đổi mới như: ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của tổng điều tra.

Thực hiện Tổng điều tra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (Tổng điều tra 2019) đã được thiết kế với nhiều đổi mới quan trọng mang tính đột phá. Tổng điều tra 2019 được kì vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số. Từ đó, đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới không thực hiện Tổng điều tra 2029.
Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và nhà ở Trung ương, ông Phạm Quang Vinh xung quanh nội dung này.



Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phóng viên:Thưa ông, Việt Nam đã tiến hành ba cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở. Qua mỗi chu kỳ, xin ông cho biết, Tổng điều tra 2019 có những bước đổi mới, cải tiến như thế nào nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin trong nước và quốc tế?
Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh: Từ sau cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đầu tiên năm 1979, Việt Nam đã tiến hành ba cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở vào các năm 1989, 1999 và 2009 nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở trên phạm vi toàn quốc. Các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tại Việt Nam được thực hiện theo khuyến nghị của Liên hợp quốc về phương pháp luận nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của quốc gia, phục vụ mục đích so sánh quốc tế và tổng hợp dữ liệu toàn cầu.
Qua mỗi chu kỳ, Tổng điều tra dân số và nhà ở đều có những bước đổi mới, cải tiến cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin trong nước và quốc tế. Nếu như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1989 là cuộc Tổng điều tra đầu tiên mà Việt Nam áp dụng các khái niệm, định nghĩa, phương pháp thiết kế và quy trình xử lý số liệu hiện đại được quốc tế thừa nhận thì đến năm 1999, Tổng điều tra dân số và nhà ở đã bổ sung một số nội dung nghiên cứu nhằm thu được nguồn số liệu toàn diện về kinh tế - xã hội và nhân khẩu học của Việt Nam.
Năm 2009, Tổng điều tra dân số và nhà ở tiếp tục được thiết kế với hai chiến lược mới, đó là sử dụng cỡ mẫu 15% để mở rộng nội dung điều tra nhằm biên soạn một số chỉ tiêu cơ bản đại diện đến cấp huyện và áp dụng công nghệ nhận biết ký tự thông minh để nhập tin phiếu điều tra, qua đó nâng cao mức độ chính xác và rút ngắn thời gian xử lý số liệu.
Phóng viên:Thực hiện Tổng điều tra 2019 trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, theo ông, cuộc Tổng điều tra lần này có những đổi mới nào, mang tính đột phá trong công nghệ thông tin?
Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh: Thực hiện Tổng điều tra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế dần cắt giảm trong khi nhu cầu thông tin về dân số ngày càng cao, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có những đổi mới như: ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của tổng điều tra.
So với năm 2009, Tổng điều tra 2019 đã cải tiến cả về phương pháp và hình thức thu thập thông tin. Nếu như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp (điều tra viên thống kê phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra và ghi chép thông tin), Tổng điều tra 2019 áp dụng cả hai phương pháp là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến).
Về hình thức thu thập thông tin, ngoài việc sử dụng hình thức phiếu giấy in sẵn như năm 2009, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 áp dụng thêm hai hình thức thu thập thông tin mới: điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (còn gọi là Webform).
Phóng viên: Để đảm bảo tính đại diện đến cấp huyện và tiết kiệm kinh phí, Tổng cục Thống kê đã áp dụng phương pháp nào trong cuộc tổng điều tra?
Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh: Bên cạnh điều tra toàn bộ nhằm thu thập thông tin cơ bản về tình hình dân số và nhà ở của dân cư, Tổng điều tra 2019 sẽ thu thập các thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học và nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm đảm bảo tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện; đồng thời, giảm tải khối lượng công việc và tiết kiệm kinh phí.
Đối với Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, cỡ mẫu điều tra là 17,9% địa bàn điều tra và 15% dân số cả nước. Mẫu của Tổng điều tra năm 2009 là loại mẫu chùm, được thiết kế theo phương pháp phân tầng hệ thống một giai đoạn. Phương pháp thiết kễ mẫu trong Tổng điều tra năm 2009 có ưu điểm là thuận lợi cho việc tổ chức và phân bổ nguồn lực nhưng hạn chế lớn nhất của phương pháp này là hiệu quả thiết kế mẫu không cao, sai số mẫu, đặc biệt là sai số của các chỉ tiêu liên quan đến điều kiện sống của hộ là rất lớn.
Để khắc phục những hạn chế này đồng thời giảm kinh phí thực hiện Tổng điều tra do ảnh hưởng của cỡ mẫu, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng hai giai đoạn; trong đó, bước 1: Phân bổ và chọn mẫu phân tầng theo huyện; trong mỗi huyện, các địa bàn điều tra mẫu được chọn theo phương pháp xác suất tỷ lệ với quy mô; bước 2: Trong từng địa bàn điều tra mẫu, các hộ mẫu được chọn ngẫu nhiên hệ thống theo khoảng cách. Theo đó, số lượng địa bàn mẫu là khoảng 40% tổng số địa bàn và quy mô mẫu chiếm khoảng 9% tổng số hộ trên cả nước.
Phóng viên:Thưa ông, việc cải tiến quy trình vẽ sơ đồ nền xã/phường và phân chia địa bàn điều tra để giảm kinh phí thực hiện Tổng điều tra sẽ được thực hiện như thế nào?
Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh: Địa bàn điều tra sử dụng trong công tác thống kê là khu vực địa lý nơi có dân cư sinh sống, có ranh giới rõ ràng hoặc tương đối rõ ràng. Về cơ bản, địa bàn điều tra là các thôn, buôn, xóm, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, tiểu khu. Tổng điều tra 2019 quy định mỗi địa bàn điều tra có quy mô trung bình khoảng 120 hộ dân cư. Mỗi xã/phường gồm nhiều địa bàn điều tra và ranh giới các địa bàn điều tra ghép lại sẽ thành bản đồ của xã/phường đó.
Theo phương pháp luận quốc tế, sơ đồ sử dụng trong Tổng điều tra dân số và nhà ở bao gồm sơ đồ nền xã/phường và sơ đồ chi tiết đến từng ngôi nhà/đơn vị nhà ở (còn gọi là sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra) nhằm đảm bảo không tính trùng hoặc bỏ sót dân số trong quá trình điều tra thực địa. Các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây đã thực hiện vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn kinh phí Tổng điều tra 2019 hạn chế hơn nhiều so với các kỳ tổng điều tra trước, việc vẽ sơ đồ đã được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng chỉ thực hiện vẽ sơ đồ nền xã/phường nhưng vẫn thể hiện rõ ranh giới giữa các địa bàn điều tra, các vật định hướng nhằm phục vụ công tác thu thập thông tin (việc không thực hiện vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra đã tiết kiệm ngân sách nhà nước ước tính khoảng 100 tỷ đồng).
Phóng viên:Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ là căn cứ để đề xuất tiến tới không thực hiện Tổng điều tra năm 2029. Xin ông nói rõ về nội dung này?
Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh: Tổng điều tra dân số và nhà ở là nguồn thông tin chủ yếu và tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học và tình trạng nhà ở của dân cư nhằm đáp ứng các mục tiêu về tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê, đồng thời cũng là nguồn thông tin phục vụ Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan tới người dân và các chính sách phát triển đất nước.
Tuy nhiên, thông tin về dân số từ Tổng điều tra hiện nay chỉ được cung cấp 10 năm một lần. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện có nhiều nguồn dữ liệu sẵn có liên quan đến dân số như: dữ liệu từ hệ thống thống kê hộ tịch của Bộ Tư pháp, hệ thống thống kê hành chính của ngành công an và ngành y tế.
Không những thế, dữ liệu từ các nguồn này hầu như chưa đáp ứng yêu cầu về tổng hợp dữ liệu dân số do một số lý do như: thông tin thu thập không đủ chi tiết; mỗi hệ thống thông tin sử dụng các quy ước và khái niệm về dân số khác nhau; cơ chế chia sẻ thông tin giữa hầu hết các cơ quan, bộ, ngành có liên quan với Tổng cục Thống kê chưa được thiết lập và vận hành một cách hiệu quả.
Do đó, nhằm cải thiện tính kịp thời của thông tin về dân số cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu sẵn có, giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ thông tin, Tổng điều tra 2019 được kì vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số. Từ đó, đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới không thực hiện Tổng điều tra 2029./.
Phóng viên:Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục