Tâm lý hoài nghi về cam kết cải cách của Chính phủ Malaysia

07:03' - 26/03/2019
BNEWS Gần một năm từ khi Liên minh PH giành chiến thắng tại Malaysia và đánh dấu lần đầu tiên liên minh đối lập giành thắng lợi trong tổng tuyển cử kể từ 1957, sự thay đổi vẫn chưa diễn ra như kỳ vọng.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại Putrajaya ngày 1/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng với đó, Liên minh PH cầm quyền cũng đã phải đối mặt với một số thách thức khi mà các cuộc bầu cử bổ sung ở Cameron Highland và Semenyih, Liên minh Mặt trận quốc gia (BN) đối lập đều đã giành thắng lợi.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 18/3, Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail nhân chuyến thăm Pháp đã kêu gọi tất cả người dân Malaysia hãy kiên nhẫn và cho chính phủ do PH dẫn dắt thời gian để giải quyết tất cả các vấn đề tồn tại của chính phủ do BN lãnh đạo trước kia. 

Bà Wan Azizah Wan Ismail nói rằng chính phủ do PH dẫn dắt có thể cần một năm hoặc ba năm, hoặc thậm chí lâu hơn, để sửa chữa nhiều tàn tích và thiệt hại ở đất nước dưới quyền lãnh đạo của chính phủ tiền nhiệm.

Trước đó, phát biểu tại Jakarta ngày 11/3/2019 tại Trung tâm nghiên cứu Habibie của Indonesia, chuyên gia chính trị Bridget Welsh đã nhanh chóng nhắc nhở khán giả rằng cải cách cơ bản thực sự cần thời gian. Welsh, một nhà nghiên cứu lâu năm về Malaysia, lưu ý rằng đặc trưng của chiến thắng trong cuộc bầu cử như là một “sự thay đổi chế độ” không hoàn toàn chính xác.

Theo bà Welsh, sự thay đổi của chính phủ không nhất thiết là một sự gắn kết của cải cách dân chủ. Nhiều người bỏ phiếu cho ông Mahathir Mohamad vì ông là một người mạnh mẽ khi đã đứng lên chống lại nền dân chủ hiện tại cũng như vì hình ảnh năm xưa của ông. 

Sự khác biệt vốn có trong động lực từ những người Malaysia trẻ tuổi và tiến bộ, những người đã bỏ phiếu cho PH như một cách để loại bỏ chính phủ do BN lãnh đạo tham nhũng và các thế hệ cũ hoài cổ với hình ảnh của ông Mahathir hàng thập kỷ trước khi ông còn nắm quyền đã tạo ra một yêu cầu gần như không thể thỏa mãn.

Một hình thức mà bà Welsh gọi là “chính trị cứu tinh” đã xuất hiện, đặt hy vọng phi thực tế vào ông Mahathir và người kế nhiệm là Anwar Ibrahim để đưa ra sự thay đổi mang tính cách mạng phản ánh những yêu cầu cơ bản khác nhau của người dân.

Bà Welsh cho rằng không có sự đồng thuận về những gì cần phải cải cách. Liên minh PH bao gồm nhiều đảng và phải đại diện cũng như phục vụ cho các nhóm chủng tộc và tôn giáo không chiếm đa số trong xã hội và đôi khi việc phục vụ này cũng không hoàn toàn thành công. Điều này tạo ra sự không hài lòng đối với nhiều người do PH đã gặp khó khăn trong việc giải quyết và đáp ứng được các kỳ vọng của họ.

Malaysia, dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới, tất nhiên, đã cho thấy có một số cải cách như các phương tiện truyền thông đã được nới lỏng và truyền thông chính thống không còn được coi là một phần mở rộng của chính phủ. Tuy nhiên, điều này không dẫn đến những cải cách rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông trong khi sự đa dạng hóa đang diễn ra và các tiêu chuẩn chung trong báo chí vẫn đang được cải thiện.

Tương tự, cải cách Ủy ban bầu cử là một trong những công việc đầu tiên của chính phủ mới. Loại bỏ nhiều thành viên do BN chỉ định đã làm "trong sạch" cơ quan này, nhưng những thay đổi rộng hơn đối với việc phân định ranh giới bầu cử là rất cần thiết để đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ dân chủ.

Theo đánh giá mới nhất của EIU, bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro thuộc Tập đoàn The Economist, Malaysia có nhiều điểm sáng. Tuy vậy, để Malaysia tiếp tục tiến xa hơn, bà Welsh đã cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề chính cần phải giải quyết. Trong đó, một sự chuyển đổi quyền lực an toàn là rất quan trọng.

Bà Welsh đồng ý người kế nhiệm Anwar có khả năng trở thành Thủ tướng tiếp theo, nhưng kế hoạch tiếp nhận có thể dài hơn so với lời hứa hai năm của ông Mahathir. Bà cũng tỏ ra lo ngại về sự tồn tại lâu dài của Liên minh PH với tư cách là một lực lượng chính trị khi mà ai sẽ là người kế vị ông Answar.

Bên cạnh đó, cải cách kinh tế phải tiến nhanh hơn. Việc đáp ứng các nhu cầu kinh tế thiết yếu cho người dân là rất quan trọng. Chính phủ cần ưu tiên nhiều hơn cho cải cách thể chế kinh tế, cần phải xây dựng một nền tảng. Cũng theo bà Welsh, cải cách giáo dục là một lĩnh vực cần phải thực thi khi chính phủ vẫn đang còn có sự lưỡng lự đối với lĩnh vực này. 

Bà so sánh giáo dục ở Indonesia và Malaysia, cho rằng những người trẻ Indonesia có cơ hội rộng lớn hơn để tìm kiếm một nền giáo dục tốt. Giáo dục mạnh mẽ hơn sẽ mang đến cho người trẻ Malaysia những cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai và nền giáo dục cần phải đưa ra quyết định sáng suốt trong việc hình thành một nền dân chủ Malaysia trong tương lai.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Malaysia phải nỗ lực phối hợp để giải quyết vấn đề không có sự khoan dung về chủng tộc và tôn giáo. Cuộc “hôn nhân” của các hai đảng đối lập UMNO-PAS có nguy cơ khiến đa số người Malaysia Hồi giáo chống lại những nhóm thiểu số khác, ảnh hưởng đến hòa hợp sắc tộc. 

Các vấn đề nóng bỏng khác như tiến trình cấm hôn nhân trẻ em nhận được sự đồng tình của những người tiến bộ ủng hộ PH nhưng hiện lại đang bị chậm lại do sự phản đối của các nhóm Hồi giáo bảo thủ. Tương tự như vậy, cuộc bạo loạn ở đền Selangor và tuần hành phản đối chính phủ công nhận Công ước chống quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc cho thấy phản ứng nhanh chóng của các nhóm theo đường lối cứng rắn.

Tuy nhiên, vẫn có các lý do để giữ niềm tin vào một nền dân chủ Malaysia mới nổi, mạnh mẽ và điều quan trọng là đó là người Malaysia, chứ không phải chính phủ của họ, sẽ thúc đẩy sự thay đổi, bà Welsh kết luận./.           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục