Tài chính vi mô cung cấp dịch vụ và sản phẩm tài chính giúp người nghèo

16:03' - 02/10/2018
BNEWS Tài chính vi mô là công cụ hữu hiệu đóng vai trò quan trọng giúp người nghèo có thể thoát khỏi tình trạng thiếu thốn, trong đó phụ nữ là một đối tượng quan trọng.

Bà Bùi Thúy Hằng, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, tài chính vi mô có khả năng cung cấp các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính cho cộng đồng người nghèo và phụ nữ, nhằm giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và đóng góp cho xã hội.
Trong rất nhiều chương trình tài chính vi mô, phụ nữ nghèo là đối tượng khách hàng quan trọng, chủ yếu của các sản phẩm tài chính. Bởi phụ nữ là những người tiết kiệm tích cực và có tỷ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn nam giới. Đồng thời, phần lớn trong các hộ gia đình nghèo, họ là trụ cột chính kiếm tiền nuôi cả gia đình

Tài chính vi mô có thể cung cấp dịch vụ và sản phẩm tài chính cho người nghèo. ẢNh minh họa. TTXVN

Theo bà Trần Thị Minh Hương, Đại học Kinh tế Quốc dân thì khi tham gia chương trình của tổ chức tài chính vi mô, phụ nữ sẽ được trực tiếp quản lý tiền, tiếp cận với tri thức khiến cho họ có quyền nhiều hơn trong các vấn đề của gia đình và xã hội, dẫn tới họ và chồng đã cùng nhau ra quyết định trong các vấn đề kinh tế và đời sống.
Thống kê cho đến nay ở Việt Nam đã có hơn 100 tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô được chia thành 3 nhóm lớn là các tổ chức chính thức; các tổ chức bán chính thức; các tổ chức phi chính thức. Trong đó, các tổ chức chính thức bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Các tổ chức bán chính thức 135 bao gồm các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, các chương trình của các tổ chức xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam...

Các tổ chức phi chính thức bao gồm các nhóm dân cư, quỹ tương trợ, tổ tiết kiệm hay nói cách khác là tổ chức do một nhóm người đứng ra góp vốn cho vay luân phiên nhau để giải quyết khó khăn kinh tế.
Năm 2017 riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay 2.120 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 55.956 tỷ đồng, tăng 806 tỷ đồng so với năm 2016.

Với vai trò là một công cụ đắc lực, tài chính vi mô đã giúp Chính phủ đạt được thành tích đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ đói nghèo tại Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn khoảng 6,72% vào cuối năm 2017.
Bà Trần Thị Minh Hương cũng chỉ ra với đối tượng là phụ nữ nghèo, tài chính vi mô cũng đã có những bước phát triển đáng kể.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang có chiến lược phát triển tài chính vi mô, đây là một trong những thế mạnh, đồng thời cũng là trách nhiệm của Hội nhằm vừa hỗ trợ tài chính cho phụ nữ ở cộng đồng, vừa mang lại tính bền vững cho hội; trong đó mô hình bảo hiểm tài chính vi mô là hướng đi của hội trong thời gian tới.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với 61.406 tỷ đồng, chiếm 39,54% giúp hơn 3,5 triệu phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi.
Các hoạt động của tài chính vi mô nhận được nhiều cơ hội phát triển khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ. Ngày 06/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2195/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020” với các giải pháp trọng tâm về xây dựng môi trường pháp lý phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô, nâng cao năng lực hoạch định chính sách và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính vi mô, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tài chính vi mô …
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động tài chính vi mô đã được thành lập và đang dần hoàn thiện.

Đồng thời, là nước đi sau trong phát triển tài chính vi mô, Việt Nam có thể học tập được nhiều kinh nghiệm từ các nước đi trước trong lĩnh vực này, đồng thời cũng nhận được nhiều sự trợ giúp kỹ thuật quốc tế.
Tuy nhiên, trong phát triển hoạt động tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam vẫn còn một số thách thức như về nguồn vốn.

Với các tổ chức tài chính vi mô chính thức, nguồn thu từ huy động cũng chưa đáp ứng được nhu cầu cho vay. Như tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, khoản tiền gửi huy động của ngân hàng chỉ có thể đáp ứng 5% nhu cầu cho vay nên vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách hoặc vốn huy động Nhà nước.
Đồng thời, là thách thức về chi phí cao. Do đối tượng của tài chính vi mô là người có thu nhập thấp nên các khoản cho vay có quy mô nhỏ. Với tổng giá trị dư nợ cho vay ngang nhau, chi phí quản lý nhiều khoản cho vay nhỏ sẽ lớn hơn chi phí quản lý một số ít khoản cho vay lớn.
Theo bà Trần Thị Minh Hương, để vượt qua những thách thức này, Nhà nước và các tổ chức tài chính vi mô cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho ngành tài chính vi mô; có chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính tín dụng đầu tư vào các tổ chức tài chính vi mô với vai trò cổ đông chiến lược; ưu đãi về lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay đối với các tổ chức tài chính vi mô, cho phép cao hơn quy định tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô có thể huy động được vốn, tạo nguồn vốn hoạt động ổn định.
Mặt khác, lãi suất cho vay cao hơn các mức vay thông thường nhằm đảm bảo tính linh hoạt với từng đối tượng vay, đặc biệt là đảm bảo thu nhập đủ bù đắp chi phí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục