Tái cấu trúc khu công nghiệp – khu chế xuất tăng sức hút đầu tư

14:38' - 04/10/2019
BNEWS Thành phố Hồ Chí Minh đang cân nhắc chuyển đổi cho từng khu công nghiệp – khu chế xuất hiện hữu sang những mô hình mới như khu công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp – đô thị - dịch vụ.

Sáng 4/10, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Tái cấu trúc các khu chế xuất và khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh hiệu quả - hướng tới đổi mới sáng tạo”.

Theo đó, thành phố xác định loại hình chuyển đổi cho từng khu công nghiệp – khu chế xuất đang hiện hữu sang những mô hình như khu công nghiệp hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp – đô thị - dịch vụ…
Ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trước bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệo 4.0, khi mà những yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào… không còn là thế mạnh, đòi hỏi thành phố phải quy hoạch khu công nghiệp – khu chế xuất mới.

Một góc Khu Chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh cần xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút dự án lớn theo định hướng đổi mới sáng tạo.
Mặt khác, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu đầu tư, các khu công nghiệp – khu chế xuất tại Tp. Hồ Chí Minh phải nâng cao hiệu quả mô hình quản lý “một cửa, tại chỗ”.

Song song đó, mô hình quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất đảm bảo tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Dự báo đến cuối năm 2019, tổng giá trị vốn đầu tư vào khu công nghiệp – khu chế xuất của Tp. Hồ Chí Minh là hơn 12,4 tỷ USD; trong đó, khu vực nước ngoài là 6,8 tỷ USD; khu vực trong nước là 5,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm, nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của Tp. Hồ chí Minh nói chung và khu công nghiệp – khu chế xuất nói riêng đã giảm sút so với một số địa phương lân cận.

Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh có giá thuê đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng hết nhu cầu của nhà đầu tư…
Hiện nay, tại các khu công nghiệp – chế xuất của Tp. Hồ Chí Minh có giá thuê đất bình quân là 125 USD/m2/kỳ thuê 40 – 50 năm.

Trong khi đó, những địa phương khác như Đồng Nai có giá thuê đất bình quân là 74 USD/m2/kỳ thuê 40 – 50 năm; Bình Dương (43,7 USD/m2/kỳ thuê 40 – 50 năm); Long An (76 USD/m2/kỳ thuê 40 – 50 năm)…

Ngoài ra, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp – chế xuất của Tp. Hồ Chí Minh luôn cao hơn nhiều địa phương lân cận.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, qua báo cáo thực trạng khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn thành phố cho thấy cần chuyển đổi mô hình mới để thu hút đầu tư, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố muốn phát triển bền vững, nhất là tăng trưởng kinh tế phải duy trì ngành công nghiệp với bốn ngành công nghiệp trọng yếu.
Trong phát triển công nghiệp thì công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng để khắc phục tình trạng gia công và hình thành doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt ngành nghề, lĩnh vực.

Do đó, tái cấu trúc các khu công nghiệp – khu chế xuất như thế nào để tập trung thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư theo chiều sâu, chứ không chỉ mở rộng.
Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2025, Tp. Hồ Chí Minh định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu, phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa bốn ngành công nghiệp trọng yếu và hai ngành công nghiệp truyền thống.

Để đạt được những mục tiêu này, thành phố xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp - khu chế xuất.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận (đơn vị quản lý khu chế xuất Tân Thuận) cho rằng, tái cấu trúc các khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cần hạn chế những ngành nghề, lĩnh vực thâm lạm dụng lao động, chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, có năng suất lao động, hàm lượng tri thức...

Bên cạnh đó, nếu đơn thuần khu công nghiệp – khu chế xuất mà không phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà ở cho chuyên gia, công nhân… thì khó phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, khu công nghiệp – khu chế xuất sẽ trở thành cầu nối gắn kết doanh nghiệp sản xuất, mở rộng và trưng bày trong khu công nghệ cao…

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thống kê trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp – khu chế xuất đã đi vào hoạt động trong tổng số 19 khu công nghiệp – khu chế xuất được thành lập. Diện tích đất cho thuê đạt 1.716,25 ha/tổng số 2.509 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 68,4%.
Quy hoạch đến năm 2020, Tp. Hồ Chí Minh sẽ có 23 khu công nghiệp – khu chế xuất tập trung, với tổng diện tích 5.797,62 ha.

Các khu công nghiệp – khu chế xuất thành phố được hình thành không nằm ngoài mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa những vùng ngoại thành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục