Tác động trái chiều của quá trình tư nhân hóa sân bay

15:30' - 05/06/2018
BNEWS Ngành hàng không thế giới đang trong một cuộc khủng hoảng năng lực do trình độ phát triển công nghệ chưa đồng đều, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước tăng cường kết nối toàn cầu thông qua các chính sách phát triển vận tải hàng không quốc gia bằng cách tạo lập các quy định mới phù hợp hơn, duy trì tính toàn vẹn của các tiêu chuẩn quốc tế và giải quyết tốt cuộc khủng hoảng năng lực trong lĩnh vực hàng không.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên vận tải hàng không thế giới lần thứ 74, đang diễn ra tại thành phố Sydney (bang New South Wales) của Australia, ông Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc IATA, cho rằng hàng không thế giới đang trong một cuộc khủng hoảng năng lực do trình độ phát triển công nghệ chưa đồng đều, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng.

Ông Alexandre de Juniac, Chủ tịch hội đồng - Tổng giám đốc IATA, phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: Diệu Linh - PV TTXVN tại Sydney

Ông de Juniac nói: “Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lực. Và chúng tôi nhận thấy chính phủ các nước hiện sử dụng giải pháp nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng sân bay để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng hàng không đòi hỏi chi phí rất lớn. Hầu hết các chính phủ đều lựa chọn phương thức kêu gọi nguồn vốn tư nhân hóa sân bay để có thể nhanh chóng xúc tiến các hoạt động đầu tư và giảm tải gánh nặng ngân sách quốc gia. Nhưng hãy thận trọng, kỳ vọng tư nhân hóa sân bay như một giải pháp cốt lõi sẽ là một cách nghĩ sai lầm”.

Theo ông de Juniac, vận tải hàng không là một ngành công nghiệp đặc thù, đòi hỏi sự đầu tư và quản lý ở cấp vĩ mô. Tư nhân hoá cơ sở hạ tầng sân bay sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của các hãng hàng không.

Ông de Juniac khẳng định, chi phí quản lý tại các sân bay tư nhân chắc chắn đắt hơn sân bay do nhà nước đầu tư. Là khách hàng của nhiều sân bay tư nhân, các hãng hàng không phải gánh thêm rất nhiều các khoản chi phí gia tăng cùng nhiều đòi hỏi khác nhằm tối đa hóa lợi nhuận của chủ đầu tư. Kết quả là khách hàng sử dụng dịch vụ cũng sẽ phải gánh chịu một phần bất cập này.

Báo cáo mới đây nhất của IATA cho thấy hiệu quả đầu tư và khai thác giữa các sân bay do nhà nước bỏ vốn đầu tư và sân bay tư nhân không có nhiều khác biệt. Trong khi đó, chi phí hoạt động tại các sân bay tư nhân lại cao hơn rất nhiều so với sân bay nhà nước.

Trong năm 2017, năm trong số sáu sân bay quốc tế nổi tiếng nhất thế giới theo đánh giá xếp hạng của Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không quốc tế Skytrax là các sân bay do nhà nước đầu tư và quản lý.

Việc đẩy mạnh tư nhân hóa sân bay được cho là giải pháp dựa trên trải nghiệm thành công của hoạt động tư nhân hóa hãng hàng không trong một số năm gần đây.

Trên thực tế, nhiều hãng hàng không sau khi được tư nhân hóa đã mang lại hiệu quả tích cực, như chi phí vận tải giảm, hiệu suất sử dụng tàu bay tăng, nhiều tiện ích hơn dành cho du khách… Tuy nhiên, việc tư nhân hóa sân bay lại cho kết quả hoàn toàn trái ngược.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 – 2009, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng gia tăng. Quá trình tư nhân hóa và thay đổi phương thức quản trị mới đã giúp ngành vận tải hàng không có một thập kỷ khởi sắc. Kể từ năm 2010 đến nay, hàng không thế giới liên tiếp đạt tăng trưởng lợi nhuận, thúc đẩy tạo việc làm mới, góp phần quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Mặc dù vậy, theo ước tính của IATA, lợi nhuận toàn ngành trong năm 2018 sẽ sụt giảm khoảng 4,6 tỷ USD so với mức dự đoán 38,4 tỷ USD được đưa ra vào cuối năm 2017, do chi phí vận hành tăng, trong đó có nguyên nhân từ việc tăng phí quản lý tại các sân bay.

Thông qua hội nghị thường niên của ngành vận tải hàng không quốc tế năm nay, IATA kêu gọi chính phủ các nước cần tập trung nhiều hơn nữa vào các lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài của các sân bay và coi đó như một phần của hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng quốc gia.

Ban điều hành Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA). Ảnh: Diệu Linh - PV TTXVN tại Sydney

Cũng theo IATA, các nhà lãnh đạo quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm từ những trải nghiệm thực tế hữu ích của việc hợp tác hóa, sử dụng các mô hình tài chính mới để khai thác sự tham gia của khu vực tư nhân, qua đó đưa ra quyết định sáng suốt về quyền sở hữu và mô hình hoạt động, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và quốc gia.

>>>IATA hạ dự báo lợi nhuận của ngành hàng không toàn cầu năm 2018​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục