Tại sao Fed tăng lãi suất dù kinh tế Mỹ dường như đang suy yếu?

14:53' - 07/04/2017
BNEWS Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới dường như đang suy yếu, song Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) vẫn đẩy mạnh việc tăng lãi suất.
Chủ tịch FED Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington ngày 16/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở mức 2,8% trong quý I/2017. Đây là mục tiêu đầy tham vọng bởi trước đó kinh tế nước này nhích khá chậm chạp và chỉ tăng 1,6% trong năm 2016. Có thể thấy đây không phải thời điểm thích hợp để tăng lãi suất.

Về lý thuyết, lãi suất giảm thì nhu cầu vay vốn tăng. Doanh nghiệp và người dân chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Ngược lại, khi lãi suất tăng, không chỉ các ngành kinh tế nhạy cảm với sự thay đổi của lãi suất mà thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vậy tại sao Fed vẫn quyết định tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế có nguy cơ “dậm chân tại chỗ”? Câu trả lời là Donald Trump

Sự bùng nổ dưới thời Donald Trump (Trump Bump) thể hiện rõ nhất ở việc thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới sau cuộc bầu cử Mỹ.

Những lời hứa và cam kết của ông Trump trong bài phát biểu trước Hạ viện về việc cắt giảm thuế, nới lỏng quy định doanh nghiệp và đầu tư 1.000 tỷ USD cho chính sách tài khóa đã tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 2.000 điểm, trong khi giá trị vốn hóa thị trường tăng 3.200 tỷ USD.

Đáng tiếc là giá cổ phiếu tăng đột biến đã phá hỏng kế hoạch của Fed nhằm ngăn chặn tình trạng mất kiểm soát thị trường trái phiếu, gây thất thoát hàng nghìn tỷ USD vốn chủ sở hữu. Bằng mọi cách Fed sẽ ngăn không cho viễn cảnh đó xảy ra.

Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) từng bước tăng lãi suất để hạn chế sự “tăng trưởng phi lý” khi nhà đầu tư kỳ vọng quá mức vào tương lai tươi sáng của nền kinh tế và "ném tiền thổi lên trái bóng đầu tư". 

Sau gần một thập kỷ GDP tăng trưởng chậm, cùng với xu hướng tăng chỉ số Dow Jones từ 6.547 điểm lên 20.906 điểm trong vòng 8 năm, Fed quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ngay khi nền kinh tế đạt đỉnh sau một giai đoạn suy thoái, để tìm cách kiểm soát dòng tiền đang thất thoát. 

Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), các nhà tuyển dụng đã tạo việc làm cho 235.000 người trong tháng 2/2017. Đây là một điều kiện thuận lợi, cho phép Fed tăng lãi suất cơ bản trong phiên họp sắp tới.

Goldman Sachs dự báo Fed có thể tăng lãi suất ba lần trong năm 2017, vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9. Báo New York Times cho hay tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,8% xuống còn 4,7% trong tháng 1/2017, trong khi mức thu thập bình quân (tính theo giờ) tăng 0,2%. 

Thị trường vẫn dõi theo từng bước đi của Fed. Ảnh: Reuters

Diane Swonk, nhà sáng lập và giám đốc điều hành DS Economics, nhấn mạnh rằng Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất từ mức thấp nhất trong lịch sử. Mặc dù nỗi lo tăng trưởng kinh tế vẫn còn tồn tại, song Fed cho rằng tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đang tiến gần với ngưỡng mọi người đều có việc làm. 

Tất nhiên, những số liệu trên không hề tính đến hàng triệu người Mỹ đồng loạt thất nghiệp sau nỗ lực xin việc thất bại trong công cuộc khôi phục kinh tế chưa đạt được kỳ vọng của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.

Ngoài ra, nó cũng không chỉ ra được rằng 95% việc làm mới đều có chất lượng kém và thu nhập thấp. Lương của những người làm dịch vụ bán thời gian chỉ vừa đủ sống. 

Chủ tịch Fed Janet Yellen lấy những số liệu tích cực về thị trường lao động để bao biện cho chính sách duy trì lãi suất ở mức gần 0 trong suốt 8 năm của bà, khiến hàng nghìn tỷ USD chảy vào túi các nhà đầu tư, trong khi tầng lớp lao động sống khổ sở với thu nhập thấp và phải đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm lương hưu.

Giờ đây bà Yellen lại muốn từng bước tăng lãi suất nhằm tăng tiền lương và cho phép người lao động có được lợi ích lớn hơn từ việc sản xuất.

Tuy nhiên, động thái này tạo ra nguy cơ vỡ bong bóng tài sản khổng lồ mà họ tạo ra và đẩy hệ thống tài chính vào chỗ nguy hiểm, thay vì cho phép những người lao động vất vả có thêm thu nhập. 

Theo tạp chí Time, nâng cao thu nhập là điều mà hầu hết người Mỹ mong đợi ở chính phủ. Fed cũng mong muốn điều tương tự, song họ vẫn rất thận trọng với việc tăng lương quá nhanh.

Các quan chức Fed muốn ngăn chặn “lạm phát chớm nở” và do đó bắt đầu tăng lãi suất dần dần để khiến việc vay vốn và hoạt động rủi ro trở nên tốn kém hơn.

Khi giá cổ phiếu tăng gấp đôi hay gấp ba, tâm lý lạc quan và tự tin quá đà vào sự khôi phục hão huyền của nền kinh tế lại xuất hiện. Trong khi đó, mức lương của người lao động dù chỉ nhỉnh lên một chút cũng bị gán mác lạm phát và bị áp chế bởi một loạt chính sách tăng lãi suất đột ngột, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, hoạt động kinh doanh sụt giảm và tăng trưởng trì trệ.

Trang tin Reuters cho hay hiện tại tỷ lệ lạm phát ở Mỹ vẫn chưa đạt mức mục tiêu 2% dù lương của người lao động đã tăng đáng kể. 

Một lý do khác của việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng 1%, đó là nhằm tác động đến mục tiêu kinh tế của ông Trump trước khi những chi tiết trong bản kế hoạch được đưa vào sắc lệnh.

Ngân hàng trung ương đã nhiều lần bày tỏ sự bất an về quyết định đầu tư 1.000 tỷ USD cho chiến lược kích thích tài khóa của vị tân Tổng thống. Bà Yellen cho rằng quyết định này sẽ khuyến khích đầu tư, nâng tỷ lệ lạm phát và khiến kinh tế tăng trưởng nóng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục