Sứ mệnh khó khăn của châu Âu tại Trung Đông

05:30' - 04/07/2019
BNEWS Tuần báo Al-Ahram của Ai Cập vừa đăng bài bình luận đánh giá về sứ mệnh rất khó khăn của Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột mới tại Trung Đông.
Quang cảnh cơ sở sản xuất dầu South Pars ở thị trấn Assaluyeh, miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tác phẩm “Sử thi Odyssey” của Homer, trên đường trở về quê nhà sau cuộc chiến thành Troy, Odysseus phải đối mặt với tình huống lựa chọn phải vượt qua xoáy nước Charybdis hay sẽ phải đụng độ với quái vật Scylla. 
Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Odysseus trong câu chuyện thần thoại Hy Lạp này cũng giống với tình cảnh mà châu Âu đang phải tìm cách giải quyết, khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang đẩy Trung Đông đứng trước nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột khu vực mới.

Ngày 2/7, Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Iran tuyên bố dự trữ urani được làm giàu ở cấp độ thấp của nước này đã vượt mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc trên thế giới.

Trong tuyên bố chung với Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng 3 nước EU nêu rõ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã xác nhận thông tin kể trên, đồng thời tái khẳng định việc các nước phương Tây có duy trì cam kết nêu trong thỏa thuận hạt nhân hay không phụ thuộc vào sự tuân thủ đầy đủ của Iran.

Các quan chức ngoại giao hàng đầu EU lấy làm tiếc về quyết định của Iran, cho rằng quyết định này làm lung lay một công cụ thiết yếu phục vụ mục đích không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuyên bố chung cũng kêu gọi Iran đảo ngược bước đi này và kiềm chế, không đưa ra thêm các biện pháp làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Iran hôm 1/7 xác nhận đã vượt giới hạn 300 kg dự trữ urani làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Tehran ký với các cường quốc thế giới. Bên cạnh đó, Iran cảnh báo sẽ làm giàu urani ở mức độ trên 3,67% nếu các nước châu Âu không cứu vãn được thỏa thuận này. Các động thái trên của Iran diễn ra sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chính quyền Tehran.

Thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hay còn gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Iran cảm thấy thất vọng vì châu Âu không có khả năng làm giảm nhẹ tác động từ các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran. Hệ quả là, Iran đã phải dùng đến một trong số ít “lá bài tẩy” còn lại. Mỹ, quốc gia đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái, lên tiếng cáo buộc Iran có hành vi “tống tiền hạt nhân”. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, cấm các công ty Mỹ giao dịch với nước này, đồng thời có các động thái ngăn chặn tương tự đối với các công ty nước ngoài hoặc các quốc gia có quan hệ làm ăn với Iran.

Trong tháng 5 vừa qua, Mỹ đã gia tăng sức ép lên Iran bằng cách chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran. Động thái này nhằm chặn đứng nguồn doanh thu dầu mỏ của Iran, với hy vọng Tehran sẽ buộc phải đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân, hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của mình và chấm dứt các hoạt động mà Mỹ coi là “gây nguy hiểm” ở Trung Đông.
Việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, đặc biệt đối với các lĩnh vực năng lượng, vận tải và tài chính, đã khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Iran cạn kiệt dần và tác động mạnh đến xuất khẩu dầu thô của nước Cộng hòa Hồi giáo này. 
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran đã giảm 3,9% trong năm 2018. Bên cạnh đó, kinh tế Iran dự kiến sẽ tiếp tục suy giảm 6% năm 2019, một dự báo thậm chí được đưa ra từ trước khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran.
Sự sụp đổ tiềm tàng của thỏa thuận hạt nhân diễn ra đúng thời điểm căng thẳng Trung Đông, với việc Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các cuộc tấn công bí ẩn nhằm vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman. Mặc dù Iran phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường 1.000 binh sĩ tới Trung Đông, nhằm đối phó những hành vi thù địch của Tehran.
Iran đã phàn nàn rằng phía châu Âu đã không tuân thủ các cam kết của họ trong thỏa thuận hoặc đã không giúp Iran giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này đã khiến nhiều người Iran đặt câu hỏi vì sao Tehran nên tiếp tục tuân thủ cam kết thỏa thuận hạt nhân, hay quốc gia này sẽ thu được những lợi ích kinh tế ra sao?
Trả lời phỏng vấn Al-Ahram, một nhà ngoại châu Âu có trụ sở tại London cho rằng, châu Âu thấu hiểu sự thất vọng của Tehran, song EU vẫn duy trì những cam kết của mình đối với thỏa thuận này. 
Việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân sẽ tạo ra căng thẳng nghiêm trọng ở Trung Đông. Lời khuyên của châu Âu dành cho Iran là hãy kiên trì và tiếp tục chính sách “kiên nhẫn chiến lược”. Châu Âu không hề mong muốn Iran theo bước Mỹ (rút khỏi thỏa thuận hạt nhân) vì điều đó sẽ đặt châu Âu vào một hoàn cảnh rất khó khăn.
Trên thực tế, châu Âu đã thiết lập một cơ chế đặc biệt nhằm mục đích cho phép hàng hóa được giao thương giữa Iran và các công ty nước ngoài mà không cần giao dịch tài chính trực tiếp. Tuy nhiên, cơ chế có tên gọi Instex này, vẫn chưa đi vào hoạt động. Do đó, chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Iran có thể sắp kết thúc trước những áp lực từ những người theo đường lối cứng rắn ở trong nước, trái ngược với chủ trương ôn hòa của Tổng thống Rouhani.
Để giải quyết bài toán này, EU sẽ phải theo đuổi vai trò mang tính xây dựng trong việc nỗ lực thúc đẩy Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nói cách khác, phía châu Âu sẽ phải đưa ra một lý do thỏa đáng để Tehran có thể duy trì thỏa thuận hạt nhân.
Với nhiều người theo khuynh hướng bi quan, họ coi thỏa thuận hạt nhân hiện tại thực tế đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” khi nó đã không thể phát huy tác dụng trong tình cảnh tách biệt khỏi cam kết giữa các bên. 
Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, rõ ràng các nước châu Âu đã không thành công trong việc giảm nhẹ tác động của bước đi chống lại Iran này. Một khi Iran không thu được lợi ích gì từ việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, viễn cảnh Tehran từ bỏ sự “kiên nhẫn chiến lược” của mình chỉ còn là vấn đề thời gian./.                                                                                                                                                         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục