Sớm ổn định giá và ngành hàng thịt lợn

11:22' - 08/08/2018
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương triển khai nhiều giải pháp ổn định giá thịt lợn.
Yêu cầu sớm ổn định giá và sản xuất ngành hàng thịt lợn. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, thị trường và ngành chăn nuôi lợn đang trên đà hồi phục và phát triển tốt, tuy nhiên giá lợn xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đển chỉ số tiêu dùng (CPI) và tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới.
Để sớm ổn định giá và sản xuất ngành hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nhiều giải pháp như: thống kê nhanh quy mô đàn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường và nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Cụ thể, không đẩy giá lợn vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất lợn đúng tuổi, đúng khối lượng không đầu cơ, găm hàng chờ giá tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá.
Đồng thời, triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn và khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước. Hiện nay sản phẩm thịt, trứng gia cầm, nhất là gà vườn, vịt thịt trong sản xuất đang rất nhiều, chất lượng tốt và giá cả phải chăng.
Ngoài ra, kiểm tra kỹ và có biện pháp kịp thời hỗ trợ phòng, chống dịch, nhất là vấn đề sử dụng vắc xin cho đàn lợn nái trên địa bàn vì khi giá lợn xuống thấp trong năm 2017 người chăn nuôi không chú ý nhiều đến vấn đề sử dụng vắc xin; Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn trên địa bàn.
Theo đánh giá của ngành thống kê và chăn nuôi, nguồn cung lợn thịt trong sản xuất trong các tháng đầu năm 2018 có giảm so với năm 2017, nhưng số lượng không lớn.
Cụ thể, sản lượng thịt lợn giảm khoảng 1,2% trong Quý 1, sang Quý 2 đã phục hồi và tăng khoảng 0,4%; dự kiến tăng khoảng 1,5 - 2% vào Quý 3 và Quý 4 do đầu tháng 4/2018 thị trường có dấu hiệu khả quan nên người chăn nuôi thâm canh tăng năng suất, nuôi vỗ béo và sinh sản sẽ làm tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, giá lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực và hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối.

Khác với nhiều năm, giá lợn hơi hiện tăng cao ở khu vực nông thôn, chợ cóc, khu vực giết mổ nhỏ lẻ.... làm cho giá lợn thịt cục bộ ở nhiều nơi tăng cao, gây lan tỏa tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá lợn thịt của cả nước lên cao.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, nguồn cung lợn thịt ra thị trường sẽ cao hơn từ tháng 8 đến tháng 12/2018, vì thời điểm này các giải pháp tăng năng suất vỗ béo và năng suất sinh sản của đàn lợn mới có kết quả.

Cục Chăn nuôi cho rằng, với khối lượng sản phẩm chăn nuôi dự tính nêu trên thì hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và sẽ không có biến động nhiều về giá sản phẩm chăn nuôi trong các tháng cuối năm.
Cục Chăn nuôi cũng đưa ra các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới như: Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả vật tư, sản phẩm chăn nuôi, nhất là chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất công nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm với những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát nhập khẩu các loại gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề nhập tiểu ngạch và tạm nhập tái xuất nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại bảo vệ người tiêu dùng và thị trường chăn nuôi trong nước.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục