Singapore kết nối đầu tư, công nghệ của Trung Quốc với Đông Nam Á

16:06' - 10/08/2019
BNEWS Singapore cho biết nước này “đóng một vai trò đặc biệt” trong việc kết nối các khoản đầu tư và công nghệ của Trung Quốc với thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho hay Trung Quốc có đủ lượng vốn tài chính để đầu tư vào các công nghệ bao gồm cả công nghệ điện tử để chia sẻ, trong khi Singapore có nền tảng tài chính và pháp lý cũng như chuyên môn để kết nối Trung Quốc với các thị trường khác.
Theo ông Chan, Singapore và Trung Quốc có tiềm năng hợp tác chặt chẽ hơn, bao gồm hợp tác trong thị trường của bên thứ ba và tăng cường kết nối theo nghĩa rộng hơn. Ông cho rằng "kết nối cứng" (chỉ sự hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp) có thể đi kèm với "kết nối mềm" (chỉ sự hợp tác trong việc mua bán các dịch vụ tài chính, logistics cũng như chia sẻ công nghệ và chuyên môn). 

Bộ trưởng Chang cho rằng từ Khu công nghiệp Tô Châu Trung Quốc - Singapore ra mắt cách đây hơn hai thập kỷ, đến Sáng kiến Kết nối Chiến lược (Trùng Khánh) Trung Quốc- Singapore được triển khai từ năm 2015, sự hợp tác giữa Singapore và Trung Quốc đã thể hiện xu hướng của loại hình nêu trên.
Hướng tới tương lai, khi Trung Quốc mở rộng hơn với thế giới, hoạt động kết nối và hợp tác của nước này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bộ trưởng Chang khẳng định mối quan hệ hợp tác của Singapore với Trung Quốc trong vấn đề này dự kiến sẽ phát triển theo cùng tiến trình như vậy.
Hiện một số công ty Trung Quốc đã lựa chọn đặt trụ sở ở Singapore để thăm dò và tiến ra các thị trường khác, chủ yếu là các thị trường Đông Nam Á.
OneConnect Financial Technology Singapore Co. Ltd, một thành viên của Tập đoàn Ping An của Trung Quốc (Ping An Group of China), là một công ty như vậy. Hiện OneConnect đang tiếp thị các sản phẩm công nghệ tài chính (fintech) từ Trung Quốc đến các tổ chức tài chính ở các nước Đông Nam Á.
“Người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Alibaba cũng đã đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như xây dựng trụ sở quốc tế của công ty con chuyên về điện toán đám mây Alibaba Cloud tại Singapore nhằm tận dụng sự dồi dào về nguồn nhân lực chất lượng cao và lợi thế của quốc gia này.
Các nước Đông Nam Á, với thị trường đang nở rộ và dân số trẻ, đang trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và kinh doanh quốc tế, bao gồm cả những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm mười nước thành viên có tổng dân số khoảng 600 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khu vực vào khoảng 3.000 tỷ USD.

Thương mại và kết nối của khu vực này với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Trong nửa đầu năm 2019, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.
Xem thêm:

>>Doanh nghiệp Malaysia và Singapore tìm cơ hội đầu tư, hợp tác tại Cần Thơ

>>Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi Singapore đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục