Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng rượu

15:50' - 05/07/2017
BNEWS Rượu là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất rượu thủ công đều nằm rải rác trong dân nên rất khó quản lý.
Nhân viên y tế chăm sóc điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Methanol. Ảnh: TTXVN

Mặc dù không phải điểm nóng về tình trạng ngộ độc rượu nhưng thời gian qua tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng rượu nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tỉnh tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép sản xuất kinh doanh rượu; kiểm tra các điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, việc công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy; kiểm tra tem, nhãn, trưng bày giới thiệu sản phẩm…

Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã tổ chức kiểm tra, rà soát hơn 1.500 cơ sở sản xuất, nấu rượu thủ công và kinh doanh rượu. Qua đó, đã tiến hành xử lý 30 cơ sở vi phạm, phạt hành chính 108 triệu đồng; tiêu hủy gần 3.300 lít rượu trắng, rượu ngâm quả táo mèo, quả hồng rừng, 950 chai rượu vang và rượu cao thực vật không dán tem rượu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Ông Phan Bá Hùng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết, nhằm siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, tỉnh Yên Bái đã lập đoàn thanh tra liên ngành gồm Sở Y tế, Công an tỉnh, do Chi cục Quản lý thị trường chủ trì để kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu trên địa bàn toàn tỉnh.

Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái cũng đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý về rượu. Hiện nay, Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái đã xây dựng xong kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với 6 nhóm ngành hàng do Bộ Công thương quản lý, trong đó có mặt hàng rượu.

Các trường hợp phát hiện sản xuất, kinh doanh rượu giả có giá trị trên 30 triệu đồng sẽ chuyển sang cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự.

Rượu là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất rượu thủ công đều nằm rải rác trong dân nên rất khó quản lý. Hoạt động sản xuất này chủ yếu nhằm mục đích tự cung tự cấp cho tiêu dùng, bởi vậy các cơ sở này đều không đăng ký kinh doanh, không đề nghị cấp phép sản xuất rượu để kinh doanh theo quy định nên khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát.

Để siết chặt hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng rượu, thời gian tới, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngành công thương tỉnh Yên Bái sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền cho nhân dân trong việc thực hiện sản xuất, kinh doanh rượu đúng quy định.

Tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu với hàm lượng các thành phần độc tố cao, dần thay thế bằng các loại rượu bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định.

Đặc biệt, tỉnh Yên Bái cũng sẽ quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý cồn công nghiệp; kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất rượu vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, sẽ tiến hành công khai đối tượng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các địa phương cũng sẽ tích cực vào cuộc, tăng cường khuyến cáo người tiêu dùng không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không uống rượu của các cơ sở nấu rượu không có giấy phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục tham vấn, tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu hiện nay, tạo điều kiện cho các cơ sở nấu rượu thủ công được cấp giấy phép nhanh chóng, thuận tiện khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện, chất lượng an toàn thực phẩm theo đúng quy định./.

>>> Tiêu hủy hơn 100 lít rượu ngâm củ dạng sâm không rõ xuất xứ

>>> Uống rượu có chừng mực cũng gây hại tới não bộ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục