Sau ngày 15/3 sẽ cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại dự án Đà Nẵng - Quãng Ngãi

18:05' - 07/03/2017
BNEWS Sau thời gian này, các hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng, chính quyền địa phương sẽ thực hiện việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng.
Nhiều hộ dân tại Quảng Nam chưa chịu di dời bàn giao mặt bằng để thi công cầu vượt tại nút giao QL 4O B. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ngày 7/3, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, 15/3/2017 là mốc thời gian mà chính quyền địa phương các tỉnh còn vướng giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cam kết sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Sau thời gian này, các hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng, chính quyền địa phươg sẽ thực hiện việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng.
Theo thống kê, dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi qua thành phố Đà Nẵng. Hiện có một vị trí là nút giao Túy Loan còn vướng giải phóng mặt bằng với 68 hộ chưa di chuyển. Tại tỉnh Quảng Nam , địa bàn huyện Thăng Bình: Gói thầu số 6 còn vướng 6 hộ tại xã Bình Quý và Bình Chánh. Địa bàn huyện Phú Ninh, gói thầu số 7 vướng 6 hộ tại xã Tam Thái và địa bàn thành phố Tam Kỳ, gói thầu A1 còn vướng 2 hộ thuộc tuyến chính và 7 hộ thuộc phần đất trạm dịch vụ.
Cũng tại tỉnh Quảng Nam, địa bàn huyện Núi Thành, gói thầu A1 còn vướng 2 hộ tại xã Tam Xuân 1 và 3 hộ tại xã Tam Xuân 2; gói thầu A2 còn vướng 4 hộ tại xã Tam Mỹ Tây, 2 hộ tại xã Tam Mỹ Đông và 1 mỏ đá tại xã Tam Nghĩa.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VEC, nguyên nhân chính người dân chưa bàn giao mặt bằng tại các vị trí trên là do còn có ý kiến về đơn giá đền bù, giải tỏa... Đặc biệt, nhiều hộ dân đòi hỏi về chính sách tái định cư rất vô lý như cho rằng diện tích của họ bị thu hồi rất lớn thì diện tích tái định cư cũng phải tương đương.
“Tuy nhiên, về vấn đề này không thể giải quyết theo yêu cầu của người dân vì hạn mức tái định cư là do địa phương quy định và phải thực hiện theo đúng các quy định này”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh,  đặc biệt là hợp phần vốn của JICA dự kiến sẽ được thông xe vào tháng 5/2017.

Vướng mắc mặt bằng ảnh hưởng lớn đến tiến độ đưa dự án vào khai thác. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tại tỉnh Quảng Nam, tại gói 6 thuộc địa bàn huyện Thăng Bình còn vướng 6 hộ dân, mặc dù người dân đã nhận tiền đền bù từ trước Tết Nguyên Đán vừa qua nhưng vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng.
“Vấn đề nghiêm trọng nhất đối với dự án ảnh hưởng đến tiến độ hiện nay của toàn dự án đó là gói thầu số 7 vướng 6 hộ tại xã Tam Thái đây được xem là điểm găng của dự án khi gói thầu này phải xây dựng cầu vượt quốc lộ 40B (cầu vượt OP17 C) tại nút giao Tam Kỳ.

Thi công nút giao này theo tính toán của nhà thầu cần ít nhất 50 ngày thi công 3 ca liên tục mới có thể hoàn thành các công đoạn. Vậy từ thời gian đến nay đến lúc hoàn thành chưa đầy hai tháng vì vậy, thời gian là hết sức cấp bách nếu không bàn giao ngay mặt bằng trong tháng này nguy cơ không thông xe được hợp phần vốn JICA (ĐÀ Nẵng – Tam Kỳ) khoảng 65 km là rất khó khăn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo lãnh đạo VEC, trong công tác giải phóng mặt bằng, ngoài chính sách chung, VEC đã có những hỗ trợ thăm hỏi, động viên các gia đình cách mạng, liệt sĩ; hỗ trợ những gia đình đặc biệt khó khăn vùng ảnh hưởng trên tuyến; cam kết tạo việc làm cho con em các hộ dân khu vực giải phóng mặt bằng dự án...
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án đường cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung. Dự án được VEC khởi công ngày 19/2/2013, đến nay đã hoàn thành thi công 2/3 quãng đường có tổng chiều dài toàn tuyến gần 140km, dự kiến thông xe toàn tuyến cuối năm 2017.

Dự án này chia thành 13 gói thầu xây lắp, trong đó có 8 gói thầu thuộc phần vốn JICA (Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Nhật Bản) tài trợ và 5 gói thầu thuộc phần vốn WB (Ngân hàng Thế giới) tài trợ. Tổng mức đầu tư của dự án là 27.968 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục