Sáng tạo lò đốt rác thải sinh hoạt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng

16:18' - 03/02/2020
BNEWS Anh Trần Văn Kiều, huyện Xuân Trường - người có nhiều tâm huyết, sáng tạo, đóng góp thiết thực trong việc xử rác thải sinh hoạt ở tỉnh Nam Định thời gian qua.
Anh Trần Văn Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề cơ khí Kiên Lao nổi tiếng, anh Trần Văn Kiều rất đam mê với các loại máy móc, thiết bị cơ khí. Chính vì vậy 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Kiều chọn hướng về quê lập nghiệp, huy động vốn lập Công ty Tân Thiên Phú.

Những năm đầu, Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ đời sống nông nghiệp và liên quan đến bảo vệ môi trường sinh thái, như các loại máy nghiền, sấy thức ăn chăn nuôi, máy băm phụ phẩm nông nghiệp; máy ép, trộn viên, thanh mùn cưa, trấu.

Lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho do anh Kiều sáng chế vận hành tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Sau đó, xuất phát từ nhu cầu xử lý rác thải của nhiều địa phương, anh Kiều cùng với các cộng sự hướng đến mục tiêu cao hơn là nghiên cứu, chế tạo ra các thiết bị xử lý rác thải sinh hoạt.
Sau "sản phẩm đầu tay" là chiếc máy nghiền rác thải không mấy thành công, anh tiếp tục đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc nghiên cứu và cuối cùng đã chế tạo thành công thiết bị lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng.

Một góc của Công viên xanh trên nền bãi rác ở thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Hiện nay sản phẩm lò đốt rác mang thương hiệu LOSIHO của Công ty Tân Thiên Phú đã được nhiều xã trong và ngoài tỉnh lựa chọn để xử lý rác thải của địa phương. Bởi lò đốt rác này có ưu điểm chất lượng, hiệu quả và giá thành của sản phẩm phù hợp, chỉ từ 600-700 triệu đồng/máy.

Đồng thời, anh Trần Văn Kiều còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để biến một bãi chôn lấp rác thải rất ô nhiễm của xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường thành nơi sạch đẹp như một công viên, là địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân địa phương./.
Xem thêm:

>>Biến rác thành điện, Cần Thơ nhẹ nỗi lo rác thải sinh hoạt

>>Dừng dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục