Sản xuất hiệu quả hơn với trợ giúp kỹ thuật số trong ngành dệt may

17:54' - 18/06/2019
BNEWS Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tác động mạnh đến các ngành công nghiệp trọng điểm như: tài chính, ngân hàng, nông nghiệp... và đặc biệt là ngành dệt may.
Công nhân Lê Thị Thanh, gắn bó làm việc tại May 10 hơn 16 năm. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Sản xuất hiệu quả hơn với trợ giúp kỹ thuật số trong ngành dệt may là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra ngày 9/7/2019 tại Hà Nội.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết (VITAS), hội thảo thường niên nổi bật này do VITAS và Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) phối hợp tổ chức từ năm 2015 đến nay, nhằm giới thiệu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, chia sẻ kiến ​​thức và tăng cường hợp tác trong ngành dệt may giữa Việt Nam và Hàn Quốc và các nước châu Á.  
Hội thảo năm nay, sẽ tập trung chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, khách mời hàng đầu từ Hàn Quốc và Việt Nam với các chủ đề như: doanh nghiệp dệt may Việt Nam ở đâu trong bối cảnh cách mạng 4.0; chuyển đổi kỹ thuật số của ngành thời trang và Thiết bị IoT thông minh; trở ngại và thách thức của đổi mới 3D, lấy mẫu ảo, xu hướng thời trang toàn cầu; công nghệ Sewfree và các ứng dụng khác nhau, mô hình nhà máy nhuộm không hóa chất, không nước  trong tương lai.

Nghề dệt vải truyền thống ở Huế. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tác động mạnh đến các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất, tự động hóa, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, giáo dục, nông nghiệp và đặc biệt là trong ngành dệt may.

Các nước tiên tiến đang áp dụng ngành công nghiệp 4.0 cho tất cả các ngành công nghiệp một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, việc thích ứng và tận dụng các cơ hội mà công nghệ 4.0 mang lại trong ngành dệt may của Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Công nghiệp 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc, song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất dệt may cũng khác nhau.

Do vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu tác động của công nghiệp 4.0 đến ngành một cách thực tế, khách quan phù hợp với đặc điểm của một ngành sản xuất hang hóa  theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền.
Doanh nghiệp dệt may cũng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất, nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng; Chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới công nghệ, chuyển dần từng bước sang xu hướng khai thác thị trường nội địa...
Trong khuôn khổ hội thảo có triển lãm trưng bày giới thiệu loại vải mới đa chức năng và buổi giao thương với các công ty đến từ Hàn Quốc nhằm chia sẻ cùng các doanh nghiệp Việt Nam nhiều giải pháp hiện đại  mà doanh nghiệp Hàn Quốc đang triển khai áp dụng; đồng thời, tổ chức tham quan nhà máy dệt may tại Nam Định vào ngày 10/07/2019./.
>>>Nga - thị trường hứa hẹn cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục