Sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đối mặt với bài toán tăng trưởng

15:34' - 10/10/2019
BNEWS Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 9 và 9 tháng năm 2019 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh qua những chỉ số sản xuất công nghiệp, tiêu thụ và tồn kho vẫn duy trì ở mức tương đối ổn định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần đánh giá lại động lực tăng trưởng của các ngành công nghiệp trọng điểm, nhất là chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống và tăng cường những giải pháp mang tính đột phá tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất trong những tháng tiếp theo.
*Sản xuất công nghiệp tăng thấp
Báo cáo kinh tế - xã hội Tp. Hồ Chí Minh vừa công bố, chỉ số sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh trong 9 tháng năm 2019 tăng 7,3%, nhưng thấp hơn cùng kỳ (tăng 7,9%). Riêng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2019 ước tính tăng 4% so với tháng trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh trong 9 tháng năm 2019 tăng 7,3%. Ảnh: TTXVN

Lý giải nguyên nhân chỉ số sản xuất tăng thấp so với cùng kỳ, các sở, ngành thành phố chỉ ra rằng, ngành khai thác giảm 17,7% do hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác giảm. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ như chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 32,3%.
Mặt khác, bốn ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2018, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.

Nguyên nhân là do 2/4 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ so cùng kỳ 2018 nhưng thấp hơn chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.
Trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chỉ tăng 0,7%, vì một số doanh nghiệp lớn có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang các tỉnh lân cận có lợi thế về lao động, giá thuê đất và có chính sách ưu đãi khác. Những ngành còn lại, gồm: ngành hóa dược tăng 1,0%; ngành điện tử tăng 22,5%; ngành cơ khí (8,6%)...
Thêm vào đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 tăng 26,5% so cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 381,7%; sản xuất kim loại (240,4%); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (135,1%)…
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài những ngành giảm, sản xuất công nghiệp thành phố vẫn duy trì hoạt động ổn định và đạt kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,0%...

Hay ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao do các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng và đổi mới công nghệ; các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao (chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử…) luôn có thị trường tiêu thụ ổn định.
Còn đối với các ngành công nghiệp cấp II, tính chung 9 tháng, có 18/30 ngành cấp II có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so cùng kỳ năm trước; trong đó, những ngành có mức tăng khá là sản xuất kim loại; sản xuất giường, tủ, bàn ghế; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Riêng những ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất lũy kế 9 tháng tăng cao hơn chỉ số chung toàn ngành công nghiệp.
Dự báo đến cuối năm 2019, tổng giá trị vốn đầu tư vào khu công nghiệp – khu chế xuất của Tp. Hồ Chí Minh là hơn 12,4 tỷ USD; trong đó, khu vực nước ngoài là 6,8 tỷ USD; khu vực trong nước là 5,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm, nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của Tp. Hồ chí Minh nói chung và khu công nghiệp – khu chế xuất nói riêng đã giảm sút so với một số địa phương lân cận.
*Tháo gỡ nút thắt sản xuất, kinh doanh
Thống kê, hiện tại trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp – khu chế xuất đã đi vào hoạt động, trong tổng số 19 khu công nghiệp – khu chế xuất được thành lập. Diện tích đất cho thuê đạt 1.716,25 ha/tổng số 2.509,1 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 68,4%.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hấp dẫn của điều kiện sản xuất, kinh doanh của thành phố.

Dễ thấy nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng trở nên quá tải như hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, liên kết trong sản xuất, nhất là chi phí mặt bằng phục vụ sản xuất quá cao.
Cùng với đó, thu hút đầu tư còn hạn chế vì tập trung vào những ngành thâm dụng lao động, cũng như có giá trị gia tăng thấp. Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp – khu chế xuất có công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí nguồn lực…
Tại Tp. Hồ Chí Minh, những doanh nghiệp trong khu công nghiệp – khu chế xuất có tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất còn khá cao. Điều này phản ánh sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều hạn chế, tỷ lệ nội địa sản phẩm thấp.
Một số doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu dựa vào quan hệ với công ty mẹ ở nước ngoài và sản phẩm xuất khẩu về công ty mẹ, chứ chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Trước bối cảnh phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi mà các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào… không còn là thế mạnh, đòi hỏi thành phố phải quy hoạch khu công nghiệp – khu chế xuất mới.
Theo bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, chuyên gia phát triển dự án Khu công nghiệp, Phó tổng giám đốc Kizuna, công nghiệp thông minh trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trực tiếp đến hai nhóm đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, hoạt động sản xuất; môi trường sản xuất, khu nhà xưởng sản xuất - khu công nghiệp.

So sánh với khu công nghiệp truyền thống, sản phẩm và giá trị gia tăng ở giai đoạn khởi đầu là sản phẩm cơ bản; tiếp theo là giai đoạn tăng trưởng với chủ yếu sản phẩm trung cấp; trưởng thành là các sản phẩm công nghệ cao…
Khu nhà xưởng xây sẵn có dịch vụ đáp ứng quá trình chuyển đổi công nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, khác với khu công nghiệp truyền thống, công nghiệp thông minh hình thành trung tâm kết nối phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.
Hiện nay, cơ hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vào khu công nghiệp vẫn không nhiều nên tỷ lệ doanh nghiệp này vào được khu công nghiệp rất hạn chế. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu mô hình khu công nghiệp kiểu mới cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo… để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đơn cử, các khu công nghiệp cũng có thể cung cấp nhà xưởng xây sẵn với quy mô nhỏ và cần đồng hành cùng khách hàng ngay từ lúc khách hàng tìm hiểu đầu tư nhà xưởng sản xuất và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất. Đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp SMEs, vốn gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí...
Vấn đề chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang công nghiệp thông minh cần sự thay đổi về tư duy, từ đó có nhiều giải pháp, chương trình để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn.

Doanh nghiệp muốn vào khu công nghiệp gặp nhiều rào cản, nên khu công nghiệp – khu chế xuất cần triển khai những mô hình như toà nhà cao tầng, nhà xưởng liền kề, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin… để mở cửa cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục