Samsung và "cuộc chiến" sản xuất màn hình TV

10:07' - 15/05/2018
BNEWS Đến năm 2015, Samsung Electronics đã chấm dứt việc sản xuất TV OLED khi cho rằng thị trường chưa sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao của công nghệ hiện đại này.
Samsung và "cuộc chiến" sản xuất màn hình TV. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng (CES) năm 2013 tổ chức tại Las Vegas (Mỹ), TV màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ (OLED) với kích cỡ lên đến 85 inch và độ phân giải 4K đã từng được Samsung Electronics tự hào trưng bày ngay ở trung tâm gian giới thiệu các sản phẩm mới của họ. Vào cuối năm đó Samsung đã đẩy mạnh tiếp thị dòng sản phẩm này với tầng lớp siêu giàu khi giá bán lẻ cho một TV kích cỡ 55 inch vào khoảng 10.000 USD.
Nhưng đến năm 2015, Samsung Electronics đã chấm dứt việc sản xuất TV OLED khi cho rằng thị trường chưa sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao của công nghệ hiện đại này. Thay vào đó, hãng công nghệ đến từ Hàn Quốc quyết định tập trung vào việc phát triển màn hình hiển thị tinh thể lỏng (LCD) có bổ sung công nghệ chấm lượng tử (Quantum Dot) được gọi là QLED.
Samsung đã tuyên bố QLED chính là đột phá mới trên thị trường TV cao cấp và đẩy mạnh quảng cáo cho công nghệ này. Song giới quan sát cho rằng đây là một tuyên bố có phần hơi “quá đà” của Samsung khi hãng công nghệ Hàn Quốc đang có phần “chật vật” khi đối mặt với LG Electronics trong cuộc chiến công nghệ TV.
Từ bỏ OLED - sự lỡ bước của Samsung?
Có một thực tế là QLED không phải là một công nghệ hoàn toàn mới. TV QLED của Samsung sử dụng các tấm LCD vốn xuất hiện hàng thập kỷ, cùng với đèn nền đi-ốt phát quang (LED) cũng đã được ứng dụng phổ biến trong gần 10 năm qua.

Điều khiến công nghệ này khác biệt nằm ở chữ "Q" trong QLED, chỉ công nghệ chấm lượng tử. Đây là những hạt nhỏ phát ra ánh sáng ở những bước sóng cụ thể. Kết quả là một đèn nền LED được phủ một bộ lọc cấu thành từ các chấm lượng tử không những có thể tái tạo nhiều màu sắc hơn mà còn mang độ chính xác cao hơn.
Khi từ bỏ OLED, Samsung Electronics đã quyết định “đặt cược” vào công nghệ LCD tồn tại đã từ lâu, trong khi đối thủ LG Electronics đầu tư hàng tỷ USD để phát triển một công nghệ mới thực sự dưới dạng OLED.
OLED là một trong những loại màn hình hiển thị tiên tiến nhất hiện nay. Với màn hình OLED, mỗi điểm ảnh đều có thể phát sáng độc lập thay vì cần dùng hệ thống đèn nền như màn hình LDC. Điều này giúp màn hình OLED mang đến độ chính xác màu sắc, độ tương phản hình ảnh và độ đồng nhất hiển thị tốt hơn màn hình LCD. Việc không cần nguồn điện để phát sáng đèn nền như LED cũng khiến màn hình OLED tiết kiệm pin hơn.
Bên cạnh đó, so với màn hình LCD, màn hình OLED thể hiện được màu đen sâu hơn với thời gian phản hồi nhanh và góc nhìn rộng hơn. Ngoài ra, nhờ không có đèn nền, các nhà sản xuất có thể thay lớp kính nền nặng nề sử dụng cho màn hình LCD thành tấm nhựa nhẹ và bền hơn. Điều này khiến màn hình OLED có thể sử dụng cho các thiết bị cho bề mặt uốn cong và linh hoạt hơn so với LCD.
Nếu màn hình OLED tuyệt vời như vậy, tại sao Samsung lại từ bỏ chúng? Sự thật là Samsung vẫn sử dụng màn hình OLED trong sản phẩm điện thoại di động của họ. Thậm chí, Samsung còn sản xuất màn hình OLED chất lượng cao được sử dụng trên chiếc iPhone X đình đám của Apple.
Nhưng khi việc sản xuất màn hình OLED cỡ nhỏ cho các thiết bị di động tương đối dễ dàng, việc mở rộng chúng lên đến kích thước màn hình 55 inch hoặc lớn hơn lại là một vấn đề khác. Samsung đã đầu tư vào màn hình TV OLED trong một thời gian, nhưng sau lại gặp bế tắc với loại màn hình này.

Khi đó, Samsung sử dụng công nghệ RGB OLED, có nghĩa là mỗi điểm ảnh đều có ba OLED màu đỏ, xanh lá và xanh lam. Vấn đề là các OLED màu xanh lam phân rã nhanh gấp hai lần các OLED màu đỏ và xanh lá. Để giải quyết vấn đề này, Samsung đã làm cho OLED màu xanh lam lớn gấp hai lần hai loại OLED kia.
Tuy nhiên, đó là một giải pháp khá vụng về. Cuối cùng Samsung cảm thấy rằng việc phát triển và sản xuất TV OLED là quá tốn kém. Vì vậy vào năm 2015, họ đã lặng lẽ từ bỏ công nghệ trên và quay sang đầu tư vào màn hình QLED.
Trong khi đó, LG Electronics đã có một cách tiếp cận khác và phát triển thành công một giải pháp khá đơn giản cho vấn đề OLED xanh lam nhanh phân rã của màn hình OLED. Họ đã sử dụng công nghệ có tên gọi WRGB OLED, trong đó mỗi điểm ảnh là một sự kết hợp giữa ba OLED màu trắng với các bộ lọc màu đỏ, xanh lá cây và xanh lam, qua đó hoàn toàn tránh được việc phải sử dụng LED màu xanh.
“Cuộc chiến” chưa kết thúc
LG Electronics đã "chơi" một “canh bạc” với triển vọng dài hạn của OLED, “rót” hàng tỷ USD vào việc phát triển và sản xuất các tấm màn hình lớn. Sau hơn 5 năm, khoản đầu tư này đã được đền đáp khi các TV OLED của họ đã vươn ra thị trường đại chúng vào năm 2017. LG Electronics đã vượt Samsung Electronics để đứng vị trí số 1 về doanh số bán dòng TV cao cấp.
Điều này đã đẩy Samsung Electronics vào một “thế cờ” khó vì họ không thể sản xuất các tấm màn hình TV OLED của riêng mình, trong khi LG Electronics gần như nắm độc quyền sản xuất loại màn hình này. Và sẽ cần thêm thời gian trước khi hãng này thừa nhận họ đã mắc sai lầm khi từ bỏ OLED.
Song theo giới quan sát, việc Samsung từ chối sử dụng màn hình OLED cho TV của họ không chỉ đơn giản do lòng kiêu hãnh hay do vấn đề tài chính. Có một kế hoạch còn lớn hơn đang được Samsung triển khai mà QLED chỉ là một bước đệm hướng tới mục tiêu lớn nhất của họ - MicroLED.
Samsung đã cho ra mắt màn hình MiroLED tại Triển lãm CES năm nay, nhưng không giống như QLED, MicroLED thực sự là một công nghệ mới. MicroLED sử dụng các đèn LED chấm lượng tử màu đỏ, xanh lá và xanh lam để tạo ra từng điểm ảnh. Kết quả là loại màn hình này hứa hẹn mang đến chất lượng hình ảnh tuyệt vời với độ sáng cực cao, khả năng tái tạo màu sắc cực kỳ lớn, độ đen sâu (deep black) tuyệt đối, và góc nhìn rộng hơn.
Thậm chí, MicroLED còn vượt trội hơn OLED ở việc công nghệ này đảm bảo TV sẽ không gặp phải lỗi lưu ảnh màn hình (screen burn) – một vấn đề gây đau đầu đối với OLED. Bên cạnh đó, MicroLED sử dụng các chất liệu vô cơ thay vì hữu cơ như OLED, do vậy tránh được tình trạng “già hóa” như OLED - vốn sẽ giảm độ sáng và chất lượng hiển thị hình ảnh sau một thời gian sử dụng (khoảng 14.000 giờ, tương đương 4 năm).
MicroLED rất có thể là bước tiến tiếp theo của quá trình phát triển công nghệ TV. Vấn đề duy nhất là Samsung Electronics hiện tại không thể sản xuất màn hình MicroLED ở một mức giá hợp lý, và công nghệ này có thể phải đợi nhiều năm nữa mới trở thành một sản phẩm tiêu dùng đại chúng.
Ít nhất cho tới lúc đó, màn hình QLED có thể giúp Samsung duy trì chỗ đứng trong “cuộc chiến” này khi mà vào thời điểm hiện tại màn hình OLED của LG Electronics dường như vẫn đang chiếm thế "thượng phong".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục