Rủi ro từ phát triển nóng thị trường trái phiếu doanh nghiệp

08:07' - 03/09/2019
BNEWS Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có bước phát triển nhanh và khá nóng đã tạo cơ hội lớn cho giới đầu tư, nhưng cũng gây ra rủi ro lớn.

Điều cần thiết lúc này là các nhà quản lý, xây dựng chính sách cần có định hướng phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

*Phát triển nóng

Tính đến ngày 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,5% GDP (vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020), tăng 19,2% so với cuối năm 2018.

Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2019 cao hơn so với năm 2018. Ảnh minh họa: TTXVN

Bẩy tháng năm 2019, tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018; trong đó, doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.

Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2019 cao hơn so với năm 2018, nguyên nhân do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019; trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng qua ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%).

Riêng đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất khá cao (từ 12-14,5%), đây là 1 trong những doanh nghiệp có mức cao nhất. Lý giải về việc lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng cao, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng cũng phổ biến mức 10%. Tính chung, lãi suất phát hành trái phiếu trong 7 tháng qua dao động ở mức 10 -12%

Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Chẳng hạn với các ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mức lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng từ 6,8-7%. Còn với các ngân hàng nhỏ hơn, lãi suất tiền gửi khoảng từ 8 - 8,7%.

Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 6 tháng đầu năm 2019, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 20% GDP. Cá biệt, một số quốc gia có quy mô trái phiếu doanh nghiệp lớn, thậm chí đạt cao hơn trái phiếu Chính phủ như Hàn Quốc (xấp xỉ 80% GDP).

Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù đã có xu hướng mở rộng về quy mô trong 5 - 7 năm trở lại đây, nhưng vẫn còn khá nhỏ và chưa đáp ứng được vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp.

Tuy vậy cũng cần lưu ý thêm, ở một số nước phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp lớn với mức độ minh bạch thông tin và có đánh giá tín nhiệm thay vì các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn.

Chủ tịch VBMA cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có giai đoạn phát triển khá nóng trong khoảng 1 năm trở lại đây khi đã vượt 3,5% mục tiêu năm 2020. Điều cần thiết trong giai đoạn thị trường đang có bước phát triển nhanh và khá nóng, các nhà quản lý, xây dựng chính sách cần có định hướng phát triển thị trường một cách bền vững.

Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin, qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá mức huy động lãi suất và chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ Tài chính vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá, phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp.

* Cốt lõi là cải thiện tính minh bạch

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín - Giám đốc điều hành Trường Doanh Nhân BizLight cho rằng, hiện nay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ có lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, thậm chí lãi suất này cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Khi nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp tốt hoàn toàn có thể sử dụng để thế chấp, cầm cố, bảo lãnh cho các hoạt động vay vốn, giao dịch trên thị trường thứ cấp của trái phiếu...

Tuy nhiên, chắc chắn lãi suất cao đi kèm với rủi ro lớn. Nhà đầu tư cần phải tìm hiểu rõ, đặc biệt lãi suất của các trái phiếu lớn hơn 12%/năm thì rủi ro sẽ rất lớn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín - Giám đốc điều hành Trường Doanh Nhân BizLight

“Những thông tin trong quá trình phát hành trái phiếu nhà đầu tư đã có đầy đủ hay chưa? Thông thường là thông tin này rất ít và chủ yếu công bố trên Website của doanh nghiệp, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường ít có cơ hội tiếp cận thông tin thật sự của doanh nghiệp”, vị chuyên gia lo ngại.

Theo vị chuyên gia này, đầu tư trái phiếu thực chất là kênh đầu tư tài chính nên cần chuyên nghiệp. Muốn chuyên nghiệp thì phải biết phân tích, đo lường triển vọng của doanh nghiệp. Bản chất của việc mua trái phiếu là cho doanh nghiệp vay vốn mà trường hợp này là vay vốn không thế chấp. Vì vậy, khi doanh nghiệp phá sản nhà đầu tư có thể mất trắng vốn.

Theo Luật Phá sản, doanh nghiệp phá sản sẽ phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, trả nợ ngân hàng... Vậy sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ nợ, doanh nghiệp còn gì cho nhà đầu tư?

Ông Tín khuyến cáo, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kiến thức về tài chính doanh nghiệp không nên tham gia thị trường này. Nhà đầu tư chỉ tham gia khi có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và có khả năng phân tích, dự báo các chỉ số tài chính.

Theo Chủ tịch VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh, hiện nay tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 6,1%.

Bà Oanh cũng cho rằng, rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phần đông số họ trong giai đoạn này vẫn chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ về trái phiếu doanh nghiệp họ đang nắm giữ và thiếu kỹ năng, nghiệp vụ để đánh giá, phân tích rủi ro.

Hiện có khoảng 70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý.

Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng khó có thể kiểm soát mục đích huy động vốn của doanh nghiệp.

Theo quan sát trên thị trường, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp một phần có thể được lý giải bởi việc nhà đầu tư đang coi đây giống như một kênh tiền gửi với mức lãi suất lớn hơn trong khi chưa có sự quan tâm đầy đủ với các thông tin quan trọng liên quan như bản chào trái phiếu (OC); loại hình trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu có bảo đảm, không bảo đảm hay trái phiếu kèm chứng quyền) hay đặc tính trái phiếu.

Do vậy có thể khẳng định, không giống Quỹ đầu tư trái phiếu hay nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn bất lợi trong việc tiếp cận, xử lý thông tin hay trong quá trình đàm phán, bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp hoặc rủi ro vỡ nợ.

Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Chủ tịch VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, chủ trương phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, từng bước giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, để đảm bảo thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững thì điều cốt lõi là cải thiện tính minh bạch; trong đó, phải kể đến nhóm giải pháp cơ chế giám sát thị trường rõ ràng.

“Về phía cơ quan quản lý, tôi cho rằng, sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan phát triển thị trường trái phiếu trong mối liên kết với thị trường tiền tệ cũng sẽ được chú trọng hơn. Việc trao đổi, tham vấn giữa cơ quan quản lý với các nhà tạo lập thị trường theo định kỳ về diễn biến thị trường và tình hình phát hành trái phiếu cần được tăng cường”, Chủ tịch VBMA kiến nghị.

Theo bà Oanh, nhu cầu cấp thiết hiện nay là phải có tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập về các đơn vị phát hành. Từ đó, phân loại trái phiếu để nhà đầu tư có cơ sở đưa ra các lựa chọn.

Cũng theo Chủ tịch VBMA, về kênh thông tin, một trung tâm quản lý thông tin tập trung sẽ là cần thiết để hạn chế sự mất cân xứng thông tin trong bối cảnh tỷ trọng của nhà đầu tư cá nhân đang tăng lên đáng kể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục