Rác thải bỗng thành những sản phẩm có ích cho cộng đồng

08:03' - 21/10/2017
BNEWS Nhìn những chiếc túi đi chợ, cặp sách học sinh tiện ích, không ai nghĩ rằng tất cả đều là các sản phẩm tái chế đã qua sử dụng.

Rác thải là sản phẩm tất yếu trong quá trình tiêu dùng của con người. Làm thế nào để hạn chế khối lượng rác thải ra môi trường hàng ngày, đồng thời tái sử dụng những vật dụng tưởng như đã hết giá trị sử dụng?

Đó là những trăn trở thôi thúc cô giáo trẻ Mai Thùy Hân, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tìm tòi, sáng tạo những đồ dùng, vật dụng phục vụ đời sống từ rác thải.
Trò chuyện với cô giáo Mai Thùy Hân, tác giả của những chiếc cặp sách dành cho học sinh vùng lũ, túi đi chợ dành cho chị em nội trợ và thùng đựng rác thông minh mới hiểu hết được ý nghĩa thiết thực của các vật dụng này.

Nhìn những chiếc túi đi chợ hay cặp sách học sinh tiện ích, không ai nghĩ rằng tất cả đều là các sản phẩm được cô Hân tái chế từ chiếc áo phao cứu sinh đã cũ, sờn hỏng, bao tải, tấm bạt, vải hay túi nylon đã qua sử dụng.
Cô giáo Mai Thùy Hân cho biết: Quảng Bình là địa phương thường xuyên hứng chịu thiên tai. Vào mùa mưa lũ, nhiều học sinh phải qua sông suối, đập tràn để đến trường, tính mạng luôn bị đe dọa. Không ít vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra.

Trước thực tế rác thải sinh hoạt tràn ngập khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chị nảy sinh ý tưởng tái chế rác thải thành những sản phẩm có ích cho cộng đồng.

Đến năm 2017, chị bắt tay thực hiện ý tưởng và nhận được sự động viên, ủng hộ rất lớn từ phía người thân, nhà trường.
Ngoài những giờ giảng dạy bộ môn Địa lý ở trường, cô Hân dành một khoảng thời gian nhất định cho việc tái chế rác thải thành những đồ vật có ích. Với ý tưởng này, cô giáo Mai Thùy Hân đã mang đến vòng đời mới, tiện lợi và hữu ích cho những món đồ phế liệu đang bị mọi người lãng quên.
Cô Mai Thùy Hân chia sẻ:

"Mỗi sản phẩm được tái chế từ rác thải đều mang đến những giá trị thiết thực và đầy ý nghĩa. Điều tôi vui nhất là chị em có thể nói không với túi nylon khi đi chợ, mua sắm và đi du lịch, vừa tiết kiệm kinh phí vừa góp phần giải quyết vấn đề môi trường. Với những chiếc áo phao khi bị hỏng không còn sử dụng được, việc tái chế chúng thành cặp học sinh xinh xắn, không những góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường mà còn có thể giúp các em tự cứu mình khi gặp lũ”.
Rác cũng có thể “kinh doanh” bằng cách phân loại rác sau đó đem bán, hàng tháng có thể tích góp một khoản tiền nho nhỏ từ rác. Từ đó, cô giáo Mai Thùy Hân có ý tưởng thiết kế thùng rác thông minh đặt tại các dãy phòng học và triển khai thực hiện. Những thùng rác thông minh có thể thiết kế bằng vật liệu nhựa, thùng cát tông, sắt…

Điều khiến cô tâm đắc nhất từ ý tưởng này đó là những thùng rác không chỉ có tác dụng thu gom rác mà còn giúp dễ dàng phân loại rác, vừa làm sạch trường lớp vừa có thể tạo nguồn quỹ để mua sách vở, giấy bút, giúp đỡ học sinh nghèo.
Ngoài ra, cô giáo Mai Thùy Hân cùng đồng nghiệp tại trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa để học sinh trực tiếp trải nghiệm làm ra sản phẩm. Từ đó, giúp học sinh có kỹ năng sử dụng các loại đồ phế liệu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Em Nguyễn Châu Ngọc Khanh, học sinh lớp 10A1, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn cho biết: Trước đây, những vật dụng không còn ưa chuộng hoặc đã cũ, em và gia đình thường vứt bỏ.

Từ khi được cô Hân truyền đạt ý tưởng, hướng dẫn cách tái chế rác thải thành các đồ dùng có ích, dễ thương như túi hay cặp sách, chúng em rất thích thú. Ý tưởng của cô Hân đã tiếp thêm động lực, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho chúng em. Chúng em thấy cần có trách nhiệm hơn để gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn Phan Thị Lệ Thương cho biết: Ý tưởng tái chế rác thải thành những sản phẩm hữu ích của cô Mai Thùy Hân rất thiết thực, ý nghĩa, được nhà trường đánh giá rất cao.

Việc làm này không chỉ giáo dục, nâng cao kỹ năng, kiến thức và trách nhiệm cho học sinh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai mà còn giúp các em có khả năng sáng tạo, tự mình làm ra những sản phẩm có ích từ rác thải.
Những sản phẩm tái chế của cô giáo Mai Thùy Hân đã được gửi tham dự Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Sản phẩm của cô Mai Thùy Hân được xếp vào top 24 ý tưởng sáng tạo tiêu biểu toàn quốc được khen thưởng tại ngày hội.
Nếu ý tưởng được nhân rộng trong cộng đồng, chúng ta sẽ không còn lo sợ vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải và sẽ không còn học sinh tử vong do đuối nước…

Đây là mong muốn của cô giáo trẻ Mai Thùy Hân khi nói về những ý tưởng của mình. Hy vọng rằng, bằng những ý tưởng hay, hành động nhỏ thiết thực, mỗi chúng ta sẽ cùng góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan xung quanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục