Quý IV/2017, Bộ NN và PTNT sẽ giải quyết dứt điểm chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành

15:41' - 25/10/2017
BNEWS Ngày 25/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quý IV/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giải quyết dứt điểm chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý được phân công.

Tuy nhiên, Bộ vẫn tồn tại cùng một mặt hàng chịu sự điều chỉnh nhiều quy định khác nhau dẫn đến kiểm tra trùng lặp. Đó là một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của các đơn vị khác nhau trong cùng một bộ. Như, kén tằm vừa chịu sự quản lý của kiểm dịch thực vật, vừa kiểm dịch động vật… Hay một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của hai bộ trở lên.

“Số mặt hàng chịu sự quản lý của 2 bộ trở lên chiếm 58,8%, thời gian thông quan hải quan chiếm 28%, thời gian thông quan của kiểm tra chuyên ngành 72%. Qua đây cho thấy sự rờm rà phức tạp của kiểm tra chuyên ngành đến mức độ nào”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, khó khăn lớn nhất trong kiểm tra chuyên ngành là sự chồng chéo, không tách rời giữa các bộ. Một sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều bộ là điều rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Cần có sự thống nhất, phân công để giảm chồng chéo. Đó không chỉ là chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng, chỉ ra: "Khó khăn lớn nhất trong kiểm tra chuyên ngành là độc quyền và quá tải. Do đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa là cần thiết. Hiện nay, kiểm tra máy móc nông nghiệp nhập khẩu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường chỉ chỉ định 1 đơn vị duy nhất ở Hà Nội là rất khó khăn cho doanh nghiệp. Trong kinh doanh phân bón, người bán phải có bằng trung cấp, giấy chứng nhận. Chúng ta đã có cách kiểm soát chất lượng phân bón thì không cần thiết quản lý người bán. Đây là sự quản lý quá mức và không cần thiết".

Liên quan đến sự chồng chéo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện một sản phẩm vẫn còn liên quan đến 3 luật: Luật Thú y, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm. Nếu bị kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp phải “xòe” đủ giấy tờ liên quan đến các quy định trên. Ví dụ, con cá đang nằm trong 3 văn bản trên.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan vẫn quy định quá rộng, chưa chi tiết, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, như mật ong, phấn hoa, sữa… nên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong xuất nhập khẩu.

Trước những vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nguyên tắc hướng tới là một mặt hàng là giao một bộ chủ trì, một mặt hàng cũng chỉ giao cho một đơn vị của bộ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát toàn bộ các danh mục hàng hóa. Các danh mục hàng hóa phải được công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, gắn mã số HS. Không được để cho các cơ quan chuyên ngành kiểm tra bằng hình thức cảm quan, nhãn quan, tạo sự tiêu cực trong kiểm tra. Đồng thời đánh giá sự tuân thủ của doanh nghiệp để tiếp tục phần luồng ưu tiên doanh nghiệp trong kiểm tra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ, đề nghị Chính phủ xem xét giao một bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Đối với 6 nhóm hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 đơn vị thuộc bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiên quyết bố trí hợp lý trong quý IV/2017.

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%); trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ thục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5 %), gồm: bãi bỏ 81 thủ tục, đơn giản hóa 205 thủ tục.

Về hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành gồm 32 thủ tục liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất khẩu.

Để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành, Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành (đạt tỉ lệ 45%) theo hướng hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nhập 2 thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch có nguồn gốc động vật và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, quy định tần suất kiểm tra đối với các mặt hàng đang thực hiện kiểm tra 100% lô hàng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo mạnh mẽ việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm phương thức kiểm tra trước và giảm hợp lý dung lượng lấy mẫu kiểm định, kiểm nghiệm, trước hết là đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, thuốc thú y nhập khẩu, giống thủy sản nhập khẩu. Các mặt hàng này được kiểm tra theo tần suất dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hoặc thừa nhận kết quả kiểm tra của quốc gia đối tác theo thông lệ quốc tế. Hầu hết các mặt hàng được phép đưa về kho của doanh nghiệp để chờ kết quả kiểm tra, giảm chi phí lưu kho bãi cho doanh nghiệp.

Trong 9 tháng năm nay, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 107.070 hồ sơ; xử lý, giải quyết 101.656 hồ sơ (đạt tỉ lệ 95%); đang tiếp tục xử lý 5.414 hồ sơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2018 cơ bản các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh hàng hóa và khoảng 80% hồ sơ thuộc lĩnh vực Bộ quản lý sẽ thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục